"Ấn Độ không tham gia RCEP có lợi cho những khu vực dễ bị tổn thương"

Bộ Công Thương Ấn Độ cho biết để đảm bảo các lợi ích của ngành công nghiệp và người nông dân Ấn Độ trong các FTA, Ấn Độ đã thể hiện thành công lập trường của mình trong RCEP.
"Ấn Độ không tham gia RCEP có lợi cho những khu vực dễ bị tổn thương" ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Ấn Độ. (Nguồn: wsj.com)

Theo hãng thông tấn PTI (Ấn Độ), Bộ Công Thương Ấn Độ mới đây ra tuyên bố khẳng định việc nước này không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có lợi cho những khu vực dễ bị tổn thương, trong đó có các nhà sản xuất sữa, người nông dân và các nhà sản xuất nhỏ vốn sẽ bị đe dọa bởi các quy định của thỏa thuận này.

Tuyên bố của Bộ Công Thương Ấn Độ nêu rõ: "Để đảm bảo các lợi ích của ngành công nghiệp và người nông dân Ấn Độ trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Ấn Độ đã thể hiện thành công lập trường của mình trong RCEP. Các mối quan tâm chính của Ấn Độ đã không được giải quyết. Ấn Độ đã có lập trường mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất trong nước. Quyết định này sẽ có lợi cho các khu vực dễ bị tổn thương như nông dân, ngành sữa và các nhà sản xuất nhỏ, những người sẽ bị đe dọa bởi các quy định của RCEP."

[Cơ hội để thuyết phục Ấn Độ trở lại RCEP: Giờ G sẽ điểm sau 11 tháng?]

Theo tuyên bố trên, Ấn Độ cũng đã đạt được nhất trí về việc rà soát FTA Ấn Độ-ASEAN (AIFTA) sau những nỗ lực liên tiếp. Điều này sẽ giúp loại bỏ những quy định ảnh hưởng đến các nhà sản xuất và xuất khẩu trong nước cũng như thúc đẩy xuất khẩu và sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ."

Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal khẳng định New Delhi sẽ không ký kết bất kỳ FTA nào một cách vội vàng hoặc gây bất lợi cho ngành công nghiệp và xuất khẩu trong nước.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh xuất khẩu của Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) ngày 17/12, ông Goyal cho hay Ấn Độ đang thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh về các thỏa thuận thương mại.

Ông Goyal nói: "Tôi có thể đảm bảo với tất cả các bạn rằng trong tương lai sẽ không có một FTA nào được hoàn tất một cách vội vàng hoặc gây bất lợi cho ngành công nghiệp và xuất khẩu của Ấn Độ."

Đề cập đến Mỹ, ông nhấn mạnh thậm chí là giai đoạn đầu tiên của một thỏa thuận thương mại với Washington cũng sẽ nhằm đảm bảo lợi ích công bằng giữa hai nước.

Đề cập đến RCEP mà Ấn Độ đã rút khỏi hồi tháng 11/2019 sau bảy năm đàm phán, ông Goyal tuyên bố thỏa thuận này đã bị rút gọn xuống thành một FTA giữa Ấn Độ-Trung Quốc mà chẳng ai muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục