Bắc Ninh: Bảo tồn Bảo vật Quốc gia mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh

Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh là bộ sách y học nổi tiếng của đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) gồm 28 tập, 66 quyển, chắt lọc tinh hoa, thành tựu của y học cổ truyền dân tộc.
Bắc Ninh: Bảo tồn Bảo vật Quốc gia mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh ảnh 1Một ván khắc trong Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Trọng cho biết bộ mộc bản sách Hải thượng y tông tâm lĩnh gồm 1.183 đơn vị mộc bản (ván khắc) hiện còn đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Bắc Ninh.

Đến nay, ván khắc đều còn tốt, chữ khắc rõ, sắc nét. Có một số ít ván bị nứt, cong vênh và mất một số chữ, một vài mảnh nhỏ vỡ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của kho mộc bản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ là giá trị về mặt hiện vật mà còn có giá trị to lớn trong nghiên cứu học thuật, đồng thời giáo dục ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Vừa qua, mộc bản được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh là bộ sách y học nổi tiếng của đại danh y Lê Hữu Trác (1720-1791) gồm 28 tập, 66 quyển, chắt lọc tinh hoa, thành tựu của y học cổ truyền dân tộc bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu, còn có cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh... Bộ sách được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Ngay từ khi xuất hiện, bộ sách đã được nhiều thầy thuốc sao chép, học tập, coi như cuốn cẩm nang trong việc chữa trị bệnh. Tuy nhiên, sau khi Lê Hữu Trác qua đời, do việc truyền sách bằng cách chép tay dẫn đến nguy cơ thất truyền sách. Vào thời vua Tự Đức (1848-1883), nhà sư Thích Thanh Cao trụ trì chùa Đồng Nhân, nay thuộc phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã dày công sưu tầm đầy đủ nội dung bộ sách từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó hội bàn với các danh y khác khảo đính lại bản thảo và tiến hành cho khắc ván, in sách.

[Thêm 23 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia] 

Quá trình khắc diễn ra tại chùa Đồng Nhân trong khoảng 6 năm (1879-1885). Hầu hết mộc bản được khắc bằng chữ Hán theo lối khắc ngược. Đây là kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt ván khắc khoảng 16 dòng, mỗi dòng 21 chữ sắc nét, tương ứng 2 trang sách. Mỗi trang sách in ra sẽ có khung viền xung quanh, có phần nội dung và phần chính giữa in tiêu đề. Ván khắc được làm bằng gỗ thị với đặc tính mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ...

Chuyên gia Hán Nôm Nguyễn Phạm Bằng, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết dựa vào nội dung và hình thức mộc bản, chúng ta có thể giải mã rất nhiều vấn đề thuộc quá khứ như y học, lịch sử, văn hóa, danh nhân, ngôn ngữ, nghề in khắc truyền thống... Đặc biệt, bộ ván khắc được định bản lại, có nhà xuất bản rõ ràng, là bản chuẩn để in thành sách và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đây là bằng chứng duy nhất chứng minh cho sự tồn tại của bộ sách thuốc Hải Thượng y tông tâm lĩnh.

Từ khi hoàn thành việc khắc bản đến nay, bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được phổ biến rộng rãi và được dịch thuật phát hành và trở thành bộ sách về y dược học cổ truyền của Việt Nam về phương pháp chữa bệnh cứu người.

Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh bên cạnh có giá trị nổi bật về mặt y học dân tộc, bộ mộc bản còn cho biết nhiều kiến thức về nghề khắc in truyền thống đã thất truyền... Mỗi mảnh ván là một hiện vật quý hiếm, có một không hai được san khắc theo quy chuẩn in truyền thống. Nhiều mảnh ván được khắc đan xen thêm những hình minh họa với bố cục chặt chẽ, hài hòa, đường nét tinh tế, có giá trị nghệ thuật cao. Điều đó cũng chứng tỏ các nghệ nhân người Việt xưa không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa, giỏi kĩ thuật điêu khắc mà còn tinh thông, am hiểu cách thức tổ chức văn bản, cũng như thông thạo chữ Hán, chữ Nôm và đặc biệt phải rất cẩn trọng, nhẫn nại khi tạo tác.

Bắc Ninh: Bảo tồn Bảo vật Quốc gia mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh ảnh 2Mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh sau khi hoàn thành đã được lưu giữ ở nhiều địa điểm, tại chùa Đồng Nhân từ năm 1885-1983; tại Bảo tàng Hà Bắc từ 1983 đến 1997 và từ 1997 đến nay lưu giữ trong kho của Bảo tàng Bắc Ninh và được bảo quản, lưu trữ, vì vậy, tính an toàn tránh thất thoát và có khả năng kéo dài tuổi thọ hiện vật, đồng thời thuận tiện công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa với đông đảo du khách…

Nói về việc bảo tồn và phát huy giá trị mộc bản, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Trọng cho biết thêm hiện mộc bản được bảo quản cẩn thận trong kho, hàng năm đều được kiểm kê, sắp xếp lại, vệ sinh, chống mối mọt. Đặc biệt, trước yêu cầu số hóa di sản, di tích, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã đưa các tài liệu quản lý trên hệ thống máy tính.

Với việc phát huy giá trị, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức Hội thảo Giá trị mộc bản Hải thượng Y tông tâm lĩnh và giải pháp bảo tồn, phát huy. Qua đó góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di sản mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh, trên cơ sở đó đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong việc lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản này trong giai đoạn hiện nay. Để đông đảo người dân đều biết đến bảo vật này, hàng năm, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đều tổ chức trưng bày, giới thiệu mộc bản và các hiện vật khác.

"Thời gian tới, Bảo tàng có kế hoạch làm kho bảo quản phù hợp, duy trì nhiệt độ ổn định, có giá đựng chia ngăn, chống mối mọt... Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch để phát huy giá trị di sản mộc bản như in sách, biên dịch, đồng thời so sánh, đối chiếu, kiểm chứng về dịch thuật; tổ chức công bố giới thiệu di sản bằng nhiều hình thức triển lãm, trưng bày giới thiệu, chụp ảnh, số hóa, xuất bản sách, làm phim tư liệu…," Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Có thể nói, bộ mộc bản Hải Thượng y tông tâm lĩnh vừa là di sản văn hóa vật thể, vừa là di sản văn hóa phi vật thể, trong đó hàm chứa nhiều nội dung mà ngày nay vẫn khai thác, phát huy giá trị di sản, đặc biệt trong lĩnh vực y học, chữa bệnh cứu người. Việc tôn vinh giá trị của bộ mộc bản sách này cũng là việc tôn vinh nền y dược cổ truyền Việt Nam và tôn vinh một đại danh y vốn đã nổi tiếng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục