Lấy cánh đồng lúa làm giảng đường, lớp học là những ruộng lúa, học sinh là những nông dân chân lấm tay bùn, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ đã hướng dẫn, đào tạo nhiều nông dân trở thành “kỹ sư chân đất.”
Những "kỹ sư chân đất" này chọn lọc lai tạo các giống lúa mới thành công, đóng góp lớn cho sản xuất lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Na Uy tài trợ Việt Nam nghiên cứu lai tạo giống lúa năng suất cao
Cánh đồng lúa vụ hè thu tại nhà ông Phạm Văn Long (xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) nặng hạt cũng là lúc Phó Giáo sư-Tiến sỹ Huỳnh Quang Tín từ Cần Thơ sang để cùng nông dân địa phương đánh giá 15 loại giống lúa mà ông Long trồng khảo nghiệm.
Đây là các giống lúa ông Long tự lai tạo để tìm ra giống lúa đạt năng suất cao, chống chịu tốt điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Phạm Văn Long chia sẻ trước đây, ông chỉ là nông dân đơn thuần không quan tâm đến lựa chọn, lai tạo giống. Tham gia lớp học “Chọn tạo giống lúa Cộng đồng” do thầy Tín (cách gọi thân thuộc, kính trọng của người địa phương) hướng dẫn đã khơi dậy niềm đam mê lai tạo giống lúa của vợ chồng ông.
Gia đình làm nông nghiệp không có điều kiện học hành. Sự nhiệt tình hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” của thầy Tín đã giúp ông như được đi học tại trường đại học thực thụ.
Không phụ lòng thầy Tín, sau 10 năm nghiên cứu lai tạo giống, nông dân Phạm Văn Long đã lai-chọn thành công giống lúa Long Hồ 8 (LH8), đã được Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận sản xuất.
Giống LH8 chống chịu mặn tốt, phù hợp cho vùng đất nhiễm mặn ở tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, ông Long tiếp tục nghiên cứu lai tạo giống lúa mới phù hợp với điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Văn Long chia sẻ nếu không có sự động viên khích lệ, tận tình hướng dẫn của thầy Tín cùng các ngành chức năng tại địa phương, một nông dân như ông không bao giờ có khả năng lai tạo lúa bởi đây là công việc chỉ dành cho những nhà khoa học.
Theo ông Phạm Văn Nhựt, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, tham gia lớp học “Chọn tạo giống lúa Cộng đồng” cốt yếu chỉ để học được cách phục tráng giống lúa tại địa phương đã bị suy thoái (năng suất giảm, lúa lai tạp nhiều…). Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp học, ông đã đam mê chọn lọc lai tạo giống lúa từ khi nào không biết.
Ông Nhựt cho hay tham gia lớp học lai tạo giống lúa, ông đã thành công phục tráng giống lúa OC10 của địa phương. Bên cạnh đó, ông đã lai-chọn thành công giống lúa Lúa Tím, là lúa đặc sản gạo màu đen, thơm ngon.
Từ giống Lúa Tím, ông được thầy Huỳnh Quang Tín hướng dẫn, khuyến khích đưa sản phẩm gạo tím trực tiếp ra thị trường. Giờ đây, ông là nông dân duy nhất của tỉnh Bến Tre có sản phẩm Gạo Tím được chính ông sản xuất cung cấp cho thị trường trong tỉnh Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm Gạo Tím đạt tiêu chuẩn “OCOP-3 sao.”
Ông Nhựt chia sẻ các buổi học thầy Tín dạy thực tế tại đồng ruộng giúp ông cùng nhiều nông dân tại địa phương nâng cao khả năng nghiên cứu, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất, tăng hiệu quả, lợi nhuận.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Huỳnh Quang Tín, bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực “Kỹ sư nông nghiệp” tại Trường Đại học Cần Thơ, dự án “Nông dân tri thức nông nghiệp”là nguồn đào tạo nhân lực quan trọng vì người nông dân trực tiếp thực hành sản xuất tạo ra sản phẩm cho ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi những sinh viên còn trẻ chưa nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, người nông dân hiểu rõ đồng ruộng. Nếu được trang bị kiến thức nông nghiệp và lai chọn giống, họ sẽ phối hợp tốt hơn, lựa chọn giống đúng vùng đất mình sản xuất, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông Huỳnh Quang Tín chia sẻ, ông bà ta xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Ba vấn đề trước người nông dân đã áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề giống trong sản xuất, người nông dân chưa được chú trọng quan tâm. Do đó, việc hướng dẫn bổ sung kiến thức cho họ trong khâu lai, chọn giống sẽ từng bước thay đổi tập quán đưa nông dân sản xuất theo hướng hiện đại.
Những nông dân tham gia lai tạo giống lúa được gọi là “Nhà nông chọn tạo giống lúa”. Những nông dân này đã nỗ lực học hỏi, nghiên cứu như nhà khoa học để tạo ra những giống lúa mới. Các nhà nông chọn tạo giống lúa này đã làm việc âm thầm, bền bỉ và đam mê. Họ đã thực hiện nhiệm vụ tạo ra những giống lúa mới như những nhà khoa học thực thụ.
Ông Huỳnh Quang Tín cho hay, dự án này đã đào tạo hơn 30 nông dân tiên tiến, đam mê nghiên cứu khoa học. Họ đã được tập huấn chuyên môn và tham gia lai chọn giống lúa. Kết quả đã có hơn 300 dòng lúa thuần do nông dân lai-chọn và trồng thử nghiệm, cung cấp lúa giống tại cộng đồng.
Tiến sỹ Vũ Anh Pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho hay Chương trình Chọn tạo giống lúa cộng đồng đã tập trung vào nâng cao năng lực nghiên cứu nông nghiệp cho nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương.
Dự án đã đào tạo hàng trăm lượt cán bộ địa phương và hơn 10.000 nông dân theo phương pháp trường học trên ruộng về kỹ thuật cải thiện chất lượng hạt giống lúa tại nông hộ và chọn giống lúa mới thích ứng biến đổi khí hậu.
Kết quả mang lại rất lớn. Chương trình đã tạo ra nguồn lực “Nông dân tri thức” am hiểu kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa và chọn giống lúa thích nghi cho địa phương.
Cùng với đó, hạt giống lúa chất lượng được sản xuất và cung cấp cho nông hộ tại cộng đồng, tăng năng suất, giảm chí phí lúa giống và cải thiện chất lượng lúa gạo xuất khẩu, đáp ứng khoảng 30% tổng nhu cầu hạt giống cho sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tiến sỹ Vũ Anh Pháp, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Huỳnh Quang Tín là người thầy và cũng là người bạn gắn bó với người nông dân. Thầy Tín có tâm huyết đóng góp rất lớn cho phát triển nông nghiệp nói chung, cây giống nói riêng, nhất là giống lúa.
Bên cạnh đó, thầy Tín là dành nhiều tâm sức tìm nhiều dự án hỗ trợ nông dân. Những lớp học ngoài bờ ruộng giúp nông dân các nơi kết nối chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác, lai chọn lúa giống, để từ đó năng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Thầy Tín đã tạo nên những “kỹ sư chân đất” từng bước đưa nông dân hướng đến sản xuất hiện đại. Hơn 80 công trình nghiên cứu, 15 đề tài nghiên cứu khoa học xung quanh vấn đề giống, cây lúa, các công trình nghiên cứu ứng dụng đưa vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân./.