Bình Định: Khai quật khảo cổ thành Hoàng đế

Bình Định: Khai quật khảo cổ học ở thành Hoàng đế

Kết quả khai quật đã phát hiện có nhiều vết tích văn hóa còn tích tụ trong lòng đất, trong đó lớp dưới cùng là lớp văn hóa Chămpa.

Trong chương trình khôi phục toàn diện khu di tích đền thờ Hoàng đế Thái Đức-Nguyễn Nhạc tại khu di tích thành Hoàng đế, ngày 22/11 Trung tâm khảo cổ học Việt Nam và Ban quản lý di tích Bình Định đã báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học khu vực thành Hoàng đế.

Được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9/2013, diện tích khai quật là 900m2 trong tổng diện tích khu vực dự kiến được xây dựng.

Do những khó khăn nhất định về kinh phí nên trong đợt này chỉ khai quật 27 hố với tổng diện tích 500m2, tập trung ở phía Đông của thành, nơi sẽ có những công trình xây dựng kiên cố trong dự án xây dựng đền thờ Hoàng đế Thái Đức.

Theo báo cáo thì diện tích đã khai quật quá nhỏ so với diện tích cần sử dụng cho khuôn viên đền thờ (gần 20.000m2). Các hố khai quật được chọn đã đáp ứng nhu cầu của cuộc khảo sát.

Thông qua kết quả khai quật cho thấy trong không gian trên có nhiều vết tích văn hóa còn tích tụ trong lòng đất, trong đó lớp dưới cùng là lớp văn hóa Chămpa. Ngoài lớp văn hóa Chămpa trên bề mặt còn xuất hiện các yếu tố văn hóa thuộc thời Tây Sơn-nhà Nguyễn như ngói, gạch lát nền, đồ sành sứ gia dụng được phát hiện rải rác hầu khắp trên các hố khai quật.

Bên cạnh những vật dụng sinh hoạt được sản xuất tại chỗ, ở các hố khai quật còn phát hiện được rất nhiều đồ gốm ngoại nhập, một số gốm Chu Đậu thuộc thời Lê và nhiều gốm của Trung Quốc.

Gốm sứ tìm thấy có cả loại chất lượng cao, được sản xuất theo phong cách gốm thời Minh và cả những đồ gốm có chất lượng thấp hơn được sản xuất trong các lò địa phương vùng Nam Trung Quốc.

Như vậy, khu vực sẽ xây dựng đền thờ Hoàng đế Thái Đức có sự tồn tại với mức độ đậm nhạt khác nhau của ba giai đoạn lịch sử, trong đó yếu tố Chămpa nằm ở lớp dưới cùng và có thể là khu vực cư trú của cư dân trong thành Đồ Bàn mà vết tích để lại là rất nhiều đồ gốm Chămpa được sử dụng lưu lại trong tầng văn hóa.

Vết tích văn hóa thời Tây Sơn và nhà Nguyễn, đặc biệt là thời Tây Sơn, còn lại trong lòng đất khu vực này là rất ít. Có lẽ đây là khu đất nằm ngay bên cạnh Tử Cấm Thành nên những biến cố lịch sử giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn đã làm mất mát không ít những dấu vết văn hóa.

Có thể nói, dấu vết kiến trúc thời Tây Sơn không còn tìm thấy trong khu vực này ngoài những mảnh vỡ của một vài loại ngói. Hẳn là đã có một không gian sinh hoạt đông đúc nơi ngoại vi của Tử Cấm Thành thời xưa song theo thời gian, các vết tích xưa hầu như đã bị xóa sổ.

Đối với vết tích văn hóa của nhà Nguyễn, khu vực này cũng không tìm được gì nhiều ngoài lăng của Võ Tánh trong Tử Cấm Thành, vùng ngoại vi của Thành nội. Dấu ấn đó cũng không đậm nét, nếu không muốn nói là không còn nhiều dấu vết.

Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ còn phát hiện một kiến trúc có dạng hình chữ nhật nằm phía Bắc của nền cung cũ được làm bằng hợp chất hoàn toàn giống với chất liệu xây dựng thủy nguyệt hồ trong Tử Cấm Thành.

Đây cũng là một kết quả quan trọng trong đợt khai quật này vì có thêm các yếu tố văn hóa thời Tây Sơn xuất lộ. Điều đó cũng có nghĩa các vết tích văn hóa thời Tây Sơn sẽ nâng thêm giá trị để làm rõ hơn quá khứ của thành Hoàng đế.

Từ kết quả khai quật lần này, các nhà khảo cổ học đề nghị thời gian tới, cần khai quật những khu vực mà tích tụ văn hóa còn nhiều tư liệu nằm ở lớp dưới thuộc văn hóa Chămpa. mặt khác, cần có một không gian trong không gian đền thờ dùng để trưng bày các hiện vật và hình ảnh thu thập được trong các cuộc khai quật nghiên cứu về thành Hoàng đế để tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử của khu di tích này và cũng để nhân dân và khách tham quan nhận diện rõ hơn về những thành tựu qua các thời đại tại khu di tích thành Hoàng đế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục