Bình Phước: Gấp rút hoàn thành Quốc lộ 14 đoạn qua Đồng Xoài

Theo các đơn vị thi công, đoạn Quốc lộ 14 đi qua Đồng Xoài có chiều dài 4km được nâng cấp mở rộng, đồng thời trải thảm lại nhựa đường mới hoàn toàn, với kinh phí trên 120 tỷ đồng.
Bình Phước: Gấp rút hoàn thành Quốc lộ 14 đoạn qua Đồng Xoài ảnh 1Các đơn vị thi công thảm lại nhựa mặt đường. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Sau nhiều năm trì hoãn xây dựng, đường Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, từng gây bức xúc cho người dân, đã nối lại thi công.

Đây là công trình do Bộ Giao thông và Vận tải làm chủ đầu tư.

Theo các đơn vị thi công, đoạn Quốc lộ 14 đi qua Đồng Xoài có chiều dài 4km được nâng cấp mở rộng, đồng thời trải thảm lại nhựa đường mới hoàn toàn, với kinh phí xây dựng trên 120 tỷ đồng.

Hiện hai gói thầu của các đơn vị thi công đang gấp rút thi công tổng lực, để công trình sớm hoàn thành trước ngày 30/11 tới.

Năm 2011, Bộ Giao thông và Vận tải đã phê duyệt gói thầu số 3 nâng cấp mở rộng Quốc lộ 14 đoạn 4km đi qua nội ô thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công nên dự án đã ngưng trệ khiến Quốc lộ 14 đi ngang thị xã Đồng Xoài hư hỏng xuống cấp, gây bức xúc kéo dài.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã thống nhất phương án triển khai Quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài (từ km 116+979,4 tại ngã tư giao với đường Nguyễn Huệ, phường Tân Đồng đến đoạn Điện lực tỉnh (giáp ranh xã Tiến Thành) có chiều dài 4km đã được đầu tư cơ bản các hạng mục như cấp và thoát nước, điện và hệ thống cáp truyền thông, nhằm chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cho việc nâng thị xã Đồng Xoài lên thành phố vào năm 2018.

Bên cạnh đó, sau khi chỉnh trang vỉa hè sẽ trồng khoảng 1.000 cây xanh (loại cây cẩm lai) hai bên vỉa hè, với tổng kinh phí khoảng 8,7 tỷ đồng. Phương án trên đã được Bộ Giao thông và Vận tải thống nhất cao; đồng thời Bộ nhận trách nhiệm về thời gian hoàn thành dự án sớm nhất trong năm nay.

Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch, vận chuyển người và hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho Tây Nguyên và cả vùng kinh tế động lực phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục