Ngày 1/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định quân đội nước này muốn hành động nhiều hơn tại Syria để hỗ trợ các lực lượng sở tại trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và có thể mở rộng hoạt động so với tuyên bố triển khai 50 binh lính đặc nhiệm tới quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Bộ trưởng Carter nhấn mạnh: “Đó là bước khởi đầu. Nếu chúng tôi thấy có thêm lực lượng mà có thể giúp ích cho hướng đi này, chúng tôi sẵn sàng tăng cường hành động. Tôi có lý do thuyết phục để tin rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ cho phép chúng tôi hành động mạnh mẽ hơn nữa khi có thêm cơ hội.”
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên hành động tích cực hơn trong chiến dịch không kích chống IS, bảo vệ các đường biên giới của nước này và truy quét những đối tượng hậu thuẫn IS xâm nhập Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ông Carter, Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chống IS, cả trên bộ lẫn trên không, vì phần lớn hoạt động hiện nay của Ankara là nhằm vào lực lượng ủng hộ đảng Công nhân Người Kurd (PKK), chứ không nhằm vào IS.
Phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra sau khi các Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain và Lindsey Graham lên tiếng kêu gọi Washington tăng gần gấp 3 quân số nước này tại Iraq, lên 10.000 quân và điều 10.000 quân tới Syria để tham gia lực lượng bộ binh quốc tế chống IS.
Các nghị sỹ Cộng hòa cho rằng quân đội Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ hậu cần và tình báo cho lực lượng 100.000 binh sĩ từ các nước Arab như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.
Tuy nhiên, những gợi ý này đã kéo theo những tranh cãi về nguy cơ nếu tăng cường bộ binh tới Syria và Iraq, Mỹ có thể lại sa lầy vào một cuộc chiến dai dẳng khi mà nỗi ám ảnh về cuộc chiến trước đó tại Iraq và Afghanistan vẫn đeo bám.
Trong một phản ứng đầu tiên, ngày 1/12, ứng cử viên tiềm tàng của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã bác bỏ ý tưởng triển khai hàng nghìn binh sỹ nước này tới tham gia cuộc chiến chống IS tại Trung Đông.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris của Pháp đêm 13/11 vừa qua, bà Clinton lên tiếng ủng bộ chiến lược hiện nay của Chính quyền Tổng thống Obama, cam kết đánh bại IS và làm việc cùng với Nga trong cuộc chiến này nếu bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11/2016.
Trả lời phỏng vấn của kênh tin tức CBS News, bà nhấn mạnh việc triển khai hàng nghìn lính chiến, như một số chính khách Cộng hòa đề nghị, sẽ không có triển vọng thành công.
Theo cựu ngoại trưởng, đó không phải là cách hiệu quả nhất để truy quét IS, mà sẽ chỉ trao cho IS công cụ mới để tuyển quân./.