Các lãnh đạo lâm thời của Mali được trả tự do sau 3 ngày

Hai nhà lãnh đạo của Mali đã được trả tự do vào khoảng 1h30 sáng 27/5, giờ địa phương (8h30 giờ Việt Nam), các thành viên trong gia đình của 2 nhà lãnh đạo này cũng đã xác nhận thông tin.
Các lãnh đạo lâm thời của Mali được trả tự do sau 3 ngày ảnh 1Ông Sadio Camara tới trụ sở Bộ Quốc phòng tại Bamako, Mali. Ông Camara đã bị thay thế khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong cuộc cải tổ nội các của Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/5, hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ các quan chức quân sự Mali cho biết Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane của chính phủ lâm thời đã được trả tự do sau 3 ngày bị một nhóm binh sỹ bất mãn bắt giữ.

Cụ thể, nguồn tin trên cho biết hai nhà lãnh đạo của Mali đã được trả tự do vào khoảng 1h30 sáng 27/5, giờ địa phương (8h30 giờ Việt Nam). Các thành viên trong gia đình của 2 nhà lãnh đạo này cũng đã xác nhận thông tin trên.

Trước đó, ngày 24/5, hai nhà lãnh đạo của chính phủ lâm thời Malia bị một nhóm binh sỹ bắt giữ.

Các binh sỹ Mali bất mãn về việc cải tổ chính phủ đã bắt giữ và đưa tổng thống và thủ tướng chính phủ lâm thời đến một doanh trại quân đội ở ngoại ô thủ đô Bamako sau khi danh sách thành viên nội các mới được công bố.

[Việt Nam kêu gọi thả tự do cho các lãnh đạo bị bắt giữ tại Mali]

Ngày 26/5, hai vị lãnh đạo này đã tuyên bố từ chức trước các nhà trung gian hòa giải.

Vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về vụ đảo chính thứ hai tại Mali khi chính phủ lâm thời nước này đang trong quá trình kiện toàn nhân sự sau vụ binh biến hồi tháng 8/2020.

Vụ binh biến khiến cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita bị lật đổ, đẩy Mali vào khủng hoảng chính trị.

Đến tháng 9/2020, ông Bah Ndaw, một đại tá nghỉ hưu, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời Mali, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình chuyển tiếp dự kiến kéo dài 18 tháng.

Tuy nhiên, tiến trình xây dựng bộ máy nhà nước Mali đứng trước nhiều thách thức do bất bình về vai trò chi phối của quân đội và các chương trình cải cách chậm được triển khai.

Ngoài ra, Mali cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về an ninh, hậu cần, trong khi các phần tử thánh chiến không ngừng chống phá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục