Cameroon: Nhóm ly khai bắt cóc gần 40 người cả quan chức chính phủ

Gần 40 người, trong đó có cả các quan chức Chính phủ Cameroon bị một nhóm vũ trang nghi là các phần tử ly khai bắt cóc ngày 17/3 tại một khu vực người nói tiếng Anh ở nước này.
Cameroon: Nhóm ly khai bắt cóc gần 40 người cả quan chức chính phủ ảnh 1Binh sỹ Cameroon tuần tra tại Bafut. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, gần 40 người, trong đó có cả các quan chức Chính phủ Cameroon đã bị một nhóm vũ trang nghi là các phần tử ly khai bắt cóc ngày 17/3 tại một khu vực cộng đồng người nói tiếng Anh ở nước này.

Các nguồn tin cho biết những người này bị bắt cóc khi đang trên đường di chuyển bằng xe buýt đến huyện Lebialem thuộc tỉnh Southwest Region.

Theo giới chức khu vực Lebialem, nhân vật cấp cao nhất trong nhóm bị bắt cóc là Ivo Leke Tambo, cựu Tổng thư ký của Bộ giáo dục Cameroon và hiện là Chủ tịch Hội đồng chứng chỉ quốc gia Cameroon.

Sự việc xảy ra một ngày sau khi Bộ trưởng Nội vụ Cameroon mới được bổ nhiệm Atanga Nji đến để thúc đẩy lập lại trật tự tại hai tỉnh Southwest Region và Northwest Region, nơi cộng đồng người nói tiếng Anh đang đòi ly khai.

[Boko Haram tiếp tục hoành hành ở Nigeria và Cameroon]

Trước đó, hôm 2/3 vừa qua, Cameroon đã ban hành lệnh cấm đi lại vào ban đêm trong vòng một tháng tại Southwest Region trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan các hoạt động ly khai.

Theo đó, các phương tiện giao thông tại năm trên tổng số ​sáu huyện ở tỉnh này không được phép đi lại trên đường trong khoảng thời gian từ 19 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau trong vòng một tháng, trừ các xe cấp cứu, xe của cảnh sát và xe của nhà nước.

Cameroon là quốc gia chủ yếu nói tiếng Pháp. Trong thời gian qua, quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn khi cộng đồng nói tiếng Anh tại hai tỉnh Southwest Region và Northwest Region thúc đẩy những nỗ lực đòi độc lập.

Xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm ủng hộ ly khai đã khiến hàng chục người tại hai tỉnh này thiệt mạng trong khi hàng nghìn người khác đã phải bỏ đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Nigeria.

Tình hình diễn biến xấu hơn vào cuối tháng Một vừa qua khi 47 người ủng hộ ly khai bị bắt giữ tại Nigeria và sau đó được đưa về Cameroon, dẫn tới làn sóng bạo lực mới.

Chính phủ của Tổng thống Paul Biya đã triển khai nhiều biện pháp trấn áp, trong đó có các lệnh giới nghiêm, các chiến dịch bố ráp và lệnh hạn chế đi lại.

Giới quan sát cảnh báo tình hình bạo lực gia tăng có thể làm ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử sắp tới ở Cameroon, trong đó có cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào cuối năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục