Sáng nay, 25/10, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận dự án Luật về hội. Đây là một dự luật được khá nhiều sự quan tâm của dư luận.
Bên lề nghị trường, bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
- Thưa đại biểu, bà đánh giá như thế nào về Dự thảo Luật về Hội được trình tại kỳ họp lần này?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy: Dự thảo lần này đã tiếp thu chỉnh lý nhiều so với nhiều lần Dự thảo trước đó, đặc biệt là đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu qua Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và lấy ý kiến ở các địa phương.
Sau khi lấy ý kiến Quốc hội ngày hôm nay, nếu ban soạn thảo tiếp thu chỉnh lý tốt thì có thể thông qua ở kỳ họp lần này.
Ngoài ra, một số trong quy định dự thảo luật nên tiếp tục trao đổi cũng như chỉnh lý thêm cho hoàn thiện.Ví dụ về tài chính và nguồn thu của các Hội…
- Xin bà nói rõ hơn về việc này?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy: Hiện nay, quan điểm xây dựng luật là từng bước xã hội hóa các hoạt động của Hội và giảm chi phí hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là với hội đặc thù.
Thế nhưng, nếu nguồn thu gói gọn lại chỉ nhận tài trợ, viện trợ của các tổ chức trong nước và dừng lại ở đó thì chưa đủ. Thực tế hiện nay, các nguồn tài trợ viện trợ từ nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ, cá nhân tổ chức khác về nhân đạo rất nhiều.
Vấn đề đặt ra không phải chúng ta không cho phép nhận viện trợ từ bên ngoài mà quản lý thế nào? Tôi nghĩ rằng Luật nên đưa vấn đề Nhà nước quản lý như thế nào về vấn đề này để hoạt động tài chính và các nguồn thu của Hội được minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả chứ không phải là không cho phép như trong Dự thảo.
Đại biểu cũng đang băn khoăn về vấn đề này và chắc chắn nếu luật thông qua, có hiệu lực mà vẫn không có điều khoản này thì kinh phí hoạt động của một số Hội sẽ gặp khó khăn, nhất là trong tài trợ nhân đạo.
- Như đại biểu nói, việc không liên kết và nhận tài trợ của nước ngoài cần xem lại. Nhưng đã có quy định thêm là có những trường hợp ngoại lệ được xem xét, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy: Tôi cho rằng nếu được thì hãy quy định cụ thể vào dự thảo Luật là có thể cho phép những Hội nào được phép nhận nguồn tài trợ này hay cách nhận tài trợ và quản lý như thế nào. Điều này sẽ giúp cụ thể và rõ ràng hơn.
- Còn vấn đề gì mà đại biểu còn băn khoăn trong dự án Luật về Hội không?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy: Vấn đề nữa tôi băn khoăn là về phân cấp quản lý không rõ ràng.
Dù dự thảo đã quy định trong điều 12, 15 về phân cấp quản lý của Nhà nước với một số Hội nhưng thực tế hiện nay và qua lấy ý kiến cử tri, cử tri cho rằng trong Luật nên có phân cấp rõ ràng: Hội nào Trung ương quản lý, Hội nào địa phương quản lý để rõ ràng.
Điều này sẽ tránh tình trạng hiện nay nếu Trung ương có hội nào thì tỉnh và huyện có Hội đó (nhất là các Hội đặc thù), như vậy vấn đề đặt ra là ngân sách nhà nước sẽ rất lớn bởi hiện nay với Hội đặc thù, ngân sách vẫn bảo đảm hoạt động.
- Hiện nay, có nhiều Hội mà Nhà nước phải chi ngân sách không? Và theo bà, chúng ta có cần phải rút bớt các Hội này đi không?
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy: Có nhiều. Vấn đề cần hay không cần rút bớt các Hội này thì chúng ta đang thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, từ quan điểm đưa vào trong Dự thảo Luật về Hội lần này, các đại biểu hiểu rằng những nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhà nước giao sẽ hỗ trợ kinh phí, còn các nhiệm vụ khác Hội sẽ tự trang trải kinh phí hoạt động của mình. Tuy nhiên, việc này sẽ được làm từng bước.
- Xin cảm ơn đại biểu./.