Chăm lo cho lao động dịp Tết, tạo động lực phát triển doanh nghiệp

Dù khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực quan tâm, chăm lo bằng nhiều hình thức gồm cả vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên.
Chăm lo cho lao động dịp Tết, tạo động lực phát triển doanh nghiệp ảnh 1Doanh nghiệp chăm lo người lao động trong dịp Tết. (Ảnh: TTXVN)

Trải qua một năm đầy khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng dồn sức để chăm lo Tết cho người lao động nhằm động viên tinh thần và tạo sự gắn kết trong công việc, qua đó nhanh chóng khôi phục sản xuất và duy trì việc làm, thu nhập.

Điều này càng trở nên có ý nghĩa trong bối cảnh lao động tại nhiều nơi đang thiếu hụt, việc đảm bảo vấn đề an sinh cho nhân viên cũng hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Tăng tốc để phục hồi

Những ngày này đội ngũ người lao động Công ty Song Phương đang dồn sức để sản xuất các đơn hàng Tết cũng như đẩy nhanh tiến độ giao hàng theo hợp đồng ký kết.

Đây cũng là giai đoạn sôi động nhất của doanh nghiệp kể từ sau đợt dịch lần thứ 4 vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Song Phương (Hà Nội) chia sẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại nhiều khu công nghiệp nên các doanh nghiệp phải thay đổi liên tục kế hoạch sản xuất, nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Với Song Phương, để đảm bảo cho 50 cán bộ công nhân viên hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, doanh nghiệp cũng phải thay đổi rất nhiều quy trình trong sản xuất để kịp thời đảm bảo nguồn hàng hóa được thông suốt, đồng thời sắp xếp lại các khâu làm việc một cách khoa học và phù hợp với các quy định về y tế.

“Mặc dù đơn hàng nhiều, hoạt động sản xuất dần ổn định nhưng thiếu lao động dẫn đến kế hoạch sản xuất trong dịp cận Tết của công ty gặp khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp đang nỗ lực cho các dự án xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài theo mục tiêu đề ra, từ đó ổn định việc làm cũng như thu nhập cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp,” bà Phương nói.

[Doanh nghiệp tại Bình Dương thưởng Tết giữ chân lao động]

Còn theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công, mặc dù tốc độ sản xuất được cải thiện sau dịch, người lao động đã trở lại làm việc nhưng chi phí đầu vào tăng cao ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

“Đơn hàng khá dồi dào, nhưng không dám nhận vì không chủ động được lao động, trong khi không phải nhãn hàng nào cũng đồng ý chia sẻ chi phí giao bằng đường hàng không,” ông Tùng nói.

Đánh giá của Bộ Công Thương, cho thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thực tế trong năm 2021, các doanh nghiệp chỉ có hơn 6 tháng để duy trì hoạt động sản xuất.

Song trước những khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp lại càng quyết tâm để tối ưu hóa công tác quản trị, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm vừa qua.

Điều này thể hiện ở quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (3,36%) và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (2,58%).

Không bỏ ai lại phía sau

Có thể thấy trong khó khăn, đội ngũ người lao động luôn đồng hành, gắn bó, vì sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực quan tâm, chăm lo bằng nhiều hình thức gồm cả vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TNG (Thái Nguyên) cho biết trong dịp Tết này, ngoài tiền lương, mỗi người lao động nhận được thêm 1,5-2 tháng, tương đương 13-15 triệu đồng nhằm khuyến khích, động viên tinh thần cho nhân viên.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Công đoàn Dệt may Việt Nam, dù chịu nhiều thiệt hại bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài, các doanh nghiệp trong ngành cố gắng thưởng tối thiểu một tháng lương cho người lao động. Đơn vị nào làm ăn tốt, lấy lại đơn hàng nhiều trong quý 4/2021 sẽ thưởng 1,5-2 tháng lương.

Chăm lo cho lao động dịp Tết, tạo động lực phát triển doanh nghiệp ảnh 2Người lao động tại các doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó trong giai đoạn COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với dệt may và da giày, tỷ lệ lao động phổ thông rất lớn, sinh hoạt thường tập trung nên dịch COVID-19 đã gây ra những tác động không hề nhỏ. Thống kê của Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong năm 2021 đã khiến 49 doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp (32 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với 15.267 người lao động, 17 doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất).

Ngoài ra, ngành dệt may có 35.023 người lao động ngừng việc từ 2-2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, cách ly hoặc doanh nghiệp ngừng sản xuất, thu nhập giảm sút, đời sống khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí về phòng dịch, trả lương ngừng việc, tổ chức “3 tại chỗ,” điều trị, cách ly tại chỗ cho người lao động khi đơn vị có F0... Song, theo Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm, Công đoàn ngành đã đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động  với tổng mức hỗ trợ hơn 34,9 tỷ đồng…

Công đoàn Dệt May cũng dự kiến sẽ chi 3 tỷ đồng (gấp đôi Tết 2021) để chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đến người lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19.

Các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng tiến hành các hoạt động chăm lo tại chỗ cho người lao động, như tháng lương thứ 13, thưởng Tết, tặng quà Tết cho 100% người lao động.

“Công đoàn ngành còn bố trí xe, hỗ trợ vé tàu xe cho người lao động về quê đón Tết; Tổ chức đón Tết cho những người lao động không về quê… với tổng số tiền dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau,” bà Tâm cho hay.

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành Dệt May Việt Nam đã vượt qua khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.

Kết quả này cũng đưa ngành Dệt may Việt Nam giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục