Chất lượng công trình nhìn từ vụ Chu Va 6

Chất lượng công trình giao thông: Còn buông lỏng quản lý

Sự cố lật cầu treo ở Lai Châu hay nứt trụ chân cầu Vĩnh Tuy xảy ra gần đây khiến dư luận hoang mang về chất lượng các công trình giao thông.
Chất lượng công trình giao thông: Còn buông lỏng quản lý ảnh 1Kiểm tra, đánh giá chất lượng trụ cổng cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu. (Nguồn: TTXVN)

Sự cố lật cầu treo Chu Va 6 tại tỉnh Lai Châu hay nứt trụ chân cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) xảy ra gần đây khiến dư luận hoang mang và đặt dấu hỏi về chất lượng các công trình giao thông.

Dù cấp độ khác nhau nhưng cũng cho thấy công tác quản lý xây dựng công trình, nhất là các khâu thiết kế, thi công, giám sát, khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình thực sự còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới chất lượng công trình và an toàn giao thông.

Còn nhiều “lỗ hổng”

Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, hiện nay có nhiều chương trình liên quan tới cầu yếu đang được Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan triển khai. Trong điều kiện vốn đầu tư còn hạn chế, hướng của Bộ Giao thông Vận tải là rà soát cái nào yếu nhất thì thay, cái nào còn khai thác được thì cố gắng tận dụng, trước mắt là kiểm tra và triển khai tại hai tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, cả nước hiện có hơn 100 cầu thuộc diện rất yếu, cần đầu tư thay thế ngay của các dự án đã có quyết định đầu tư trên hệ thống quốc lộ. Ngoài ra còn gần 300 cầu yếu chưa được lập dự án đầu tư.

Việc kiểm tra, rà soát cầu yếu trên hệ thống do Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai cho thấy, kinh phí cho khắc phục cầu yếu cũng cần ít nhất 5.000 tỷ đồng, chưa tính tới kinh phí đối với cầu yếu cần phải thay thế.

Đấy là cầu trên hệ thống quốc lộ, còn đối với cầu giao thông nông thôn, theo ông Nguyễn Văn Nhân có nhiều vô kể, cầu yếu mà nhỏ thì không đáng ngại lắm nhưng cầu treo thì các địa phương tự thiết kế, thi công, khai thác rất nhiều và có nhiều chuyện phải bàn.

“Thực chất theo ý kiến riêng của tôi, khâu kiểm định, thẩm định thiết kế nghiệm thu công trình chắc là có lỗ hổng nên mới xảy ra những sự cố như thế. Tất cả các văn bản nhà nước đã quy định, khi làm các công trình thì có ban quản lý dự án thay chủ đầu tư là người thực hiện mấy khâu thẩm định thiết kế, sau đó chọn đơn vị thi công, vẫn phải làm đầy đủ các bước trong xây dựng cơ bản, tiến hành theo dõi giám sát thi công. Nếu tuân thủ và làm tốt các bước thì sẽ không có vấn đề gì,” ông Nhân nói.

Các sự cố không chỉ xảy ra với công trình cầu mà còn đối với nhiều công trình giao thông đường bộ trọng điểm.

Trước đó, đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, một tuyến đường cao tốc hiện đại sau một thời gian khai thác cũng bị lún, bong tróc và xuất hiện ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 dù đang trong quá trình thi công nhưng cũng đã phát hiện một số gói thầu không đảm bảo tiêu chuẩn gây hư hỏng mặt đường. Mới đây, trên Quốc lộ 1A đoạn Hà Nam-Thanh Hóa cũng xuất hiện lún, hư hỏng dù mới đưa vào khai thác một thời gian.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ Giao thông Vận tải), ngoài những nguyên nhân khách quan thì cũng có những sai sót như khâu giám sát chưa phát hiện kịp thời các sự cố để đề xuất, xử lý. Mặt khác, trong công tác đấu thầu các gói thầu thi công cũng còn nhiều bất cập. Vẫn còn có hiện tượng một dự án nhưng lại có nhiều nhà thầu phụ tham gia nên rất khó kiểm soát, đặc biệt là đối với những dự án trọng điểm có suất đầu tư cao, đòi hỏi nhà thầu phải có nguồn lực tài chính lớn.

Ngoài ra, việc bảo trì, bảo dưỡng đối với các công trình giao thông cũng chưa được thực hiện tốt, khi mà vẫn còn có sự chồng chéo trong phân cấp quản lý các công trình, giữa các bộ, ngành và địa phương dẫn đến việc còn buông lỏng quản lý đối với các công trình giao thông.

Cần nâng cao vai trò giám sát

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, để thực hiện việc siết chặt chất lượng các công trình giao thông, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chú trọng hơn tới công tác giám sát, trong đó tập trung vào trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án.

“Đối với một số dự án qua giám sát phát hiện có những khiếm khuyết sẽ xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể như chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu và tư vấn, phải làm lại, khắc phục các khiếm khuyết của các dự án bằng chính kinh phí của các chủ thể đó,” Thứ trưởng nói.

Chất lượng công trình giao thông: Còn buông lỏng quản lý ảnh 2Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiểm tra vết nứt tại trụ cầu T22. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra các quy định vào thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản như: Kiểm tra kiểm soát chất lượng, tiến độ công trình xây dựng. Các quy định về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng; quy định về nhiệm vu, quyền hạn của Ban Quản lý dự án đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), BT (xây dựng-chuyển giao)…

Bộ giao cho các đơn vị chức năng tăng cường công tác giám định, kiểm định; kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án; kiên quyết xử lý đối với cá nhân, tổ chức có vi phạm về chất lượng công trình; kiểm soát và có giải pháp hiệu quả về kỹ thuật-công nghệ, vật liệu xây dựng để khắc phục triệt để những tồn tại về chất lượng như nứt, lún mặt đường, cầu, cống.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá và công bố kết quả xếp hạng cho hơn 350 nhà thầu xây lắp; đồng thời công bố kết quả đánh giá xếp hạng cho 118 tổ chức tư vấn theo thứ tự từ Top 10 đến Top 100. Các kết quả đánh giá xếp hạng này được đưa lên thông tin đại chúng, giúp các chủ đầu tư tham khảo, vận dụng trong công tác lựa chọn các nhà thầu tham gia các dự án giao thông.

Trong vấn đề phân cấp quản lý, giám sát, rà soát các công trình cầu, ông Nguyễn Văn Nhân cho rằng, cần phải kiểm tra hết các khâu, nhưng với số lượng quá nhiều thì Bộ Giao thông Vận tải không thể làm hết cũng như không thể làm thay được mà chỉ có thể kiểm tra một số công trình điểm. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, chi tiết từng hạng mục phải rà soát, nhất là với hệ thống cầu treo nông thôn. Từ đó các địa phương tổng hợp thực trạng sử dụng các công trình, kiểm tra cụ thể vị trí cầu treo, mức độ sử dụng ở từng xã, bản để báo cáo chi tiết cho cơ quan chủ quản là huyện, tỉnh.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có Công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành đề nghị rà soát và thực hiện nghiêm việc thẩm tra, thiết kế, kiểm tra hệ thống cầu treo nông thôn trên phạm vi toàn quốc trong quá trình thi công xây dựng và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Theo đó, đối với các công trình đã đưa vào sử dụng, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra, rà soát hồ sơ khảo sát thiết kế về việc tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn được phép áp dụng và đảm bảo an toàn chịu lực; tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình.

Riêng với các công trình đang chuẩn bị đầu tư xây dựng và thực hiện đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện nghiêm túc công tác thẩm tra thiết kế, kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng theo quy định của Nghị định 15 và các Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Xây dựng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục