Chỉ số cải cách hành chính thể hiện quản lý của bộ, địa phương

Chỉ số cải cách hành chính là một trong những công cụ quản lý và thông qua công bố Chỉ số một mặt đưa ra thứ hạng của các tỉnh, các bộ, ngành.
Chỉ số cải cách hành chính thể hiện quản lý của bộ, địa phương ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Cảnh Dĩnh tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 5/9, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính 2013 (PAR INDEX 2013) của 19 bộ, ngành và 63 địa phương. Những kết quả so sánh bước đầu sau hai năm thực hiện đánh giá chỉ số cho thấy “cuộc đua” cải thiện thứ hạng giữa nhiều bộ, ngành, địa phương khá rõ rệt.

Sau hội nghị công bố này, Bộ Nội vụ dự định sẽ tổ chức một hội nghị rút kinh nghiệm, lấy ý kiến cụ thể, chi tiết của các bộ, ngành, địa phương để chỉnh sửa, bổ sung các Chỉ số cho phù hợp, áp dụng cho năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kết quả PAR INDEX 2013.

- Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về kết quả PAR INDEX 2013?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2013 so với năm 2012 thì một số bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi về mặt thứ tự. Trong đó có 7 bộ xuống hạng, 9 bộ thăng hạng và 3 bộ giữ vững. Có 3 địa phương giữ vững vị trí, 30 địa phương xuống hạng và 30 địa phương tăng lên.

Điều này thể hiện sau kết quả công bố năm 2012, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có sự quan tâm hơn, xem xét, căn cứ vào các chỉ tiêu, tiêu chí thành phần để tập trung chỉ đạo khắc phục những điểm còn hạn chế, yếu kém, phát huy mặt tốt. Bên cạnh đó cũng có bộ chưa thực sự quan tâm. Chính vì vậy có bộ tăng hạng, có bộ giữ vững hoặc xuống hạng.

- Sau khi thẩm định phần tự đánh giá, Bộ Nội vụ có phải điều chỉnh điểm nhiều không, thưa ông? Với những nơi Bộ Nội vụ thẩm định đánh tụt điểm, họ có phản ứng thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Chênh nhau cũng chỉ trên dưới 10 điểm. Họ có thể đánh giá là cao nhưng cần phải có tài liệu kiểm chứng, chứng minh cho đánh giá đó có phù hợp không. Qua Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính cho thấy không có bộ, ngành, địa phương nào phản ứng.

Trong quá trình làm, chúng tôi có trao đi đổi lại rất kỹ và đều yêu cầu họ có tài liệu kiểm chứng để biết được kết quả tự đánh giá của họ. Trên cơ sở tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ cùng Hội đồng thẩm định, có thể tăng hay giảm điểm.

- Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, giá trị trung bình PAR INDEX 2013 các bộ có phần nhích lên so với năm trước, điều này có đồng nghĩa với việc công tác cải cách hành chính năm 2013 đã có bước cải thiện tốt hơn không, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Thực ra, đánh giá năm nào cũng chỉ là 100 điểm. Cái trần là như thế! Chắc chắn số điểm luôn luôn dao động, thể hiện giữa các bộ, ngành, địa phương tăng giảm khác nhau dẫn đến con số đó. Con số bình quân đó tôi cho rằng không có nhiều ý nghĩa.

- Ông mong chờ gì sau lễ công bố PAR INDEX này?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Chỉ số cải cách hành chính là một trong những công cụ quản lý và thông qua công bố Chỉ số một mặt đưa ra thứ hạng của các tỉnh, các bộ, ngành về kết quả cải cách hành chính nhưng điều quan trọng hơn là xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực cải cách hành chính.

Thông qua đó xác định quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu phải có thái độ nghiêm túc, nhìn chỉ số này và thấy chỗ nào mạnh thì phát huy, chỗ nào còn tồn tại, hạn chế thì phải tập trung đẩy mạnh lên để đáp ứng được yêu cầu mà mục tiêu Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra.

- Một số bộ, ngành, địa phương tụt hạng, điều này chứng tỏ họ đang đi thụt lùi hay do các bộ, ngành, địa phương khác có bước tiến vượt bậc, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Nó cũng có hai mặt. Có thể họ chững lại, có thể là nhiều bộ, ngành, địa phương phấn đấu vươn lên cao, nên điểm không giảm mấy nhưng tụt thứ hạng.

- Trong 7 chỉ số thành phần cấu thành PAR INDEX ở cấp bộ, năm trước, Bộ Nội vụ “ăn điểm” cũng ở chỉ số liên quan đến công chức, viên chức, năm nay cũng vậy, ông có cho rằng đây là kết quả kế thừa của năm cũ? Các bộ, ngành khác có được thừa hưởng cái “nền” của năm cũ không?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Bộ, ngành nào có kết quả tốt, vẫn giữ vững được và phát huy, mặt nào chưa tốt thì phải đẩy mạnh cải cách. Nếu hơi chủ quan, lơ là có khi là giảm. Tất nhiên tụt hạng ở đây có hai mặt, một là có khi hơi chủ quan, chưa tập trung lắm hoặc tập trung mức độ, nhưng mặt thứ hai là có những bộ, ngành phấn đấu cao hơn thì bị soán ngôi. Những phân tích chỉ có tính tương đối.

Tất nhiên là các bộ, ngành khác có được thừa hưởng cái nền của năm cũ. Tôi cho rằng một nguyên tắc chung các bộ, ngành nếu quan tâm sẽ tích cực phát huy những cái đã đạt được và điều quan trọng nữa là khắc phục những hạn chế, phải thúc đẩy cả hai mặt và không được thỏa mãn. Chúng tôi khẳng định cho đến giờ phút này không có tiêu cực trong công tác đánh giá.

- Bộ cao nhất cũng chỉ đạt trên 80 điểm so với thang điểm 100, phải chăng đây là mốc để các bộ, ngành, địa phương phấn đấu, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh: Tôi nghĩ rằng không bao giờ đạt được con số tuyệt đối, bao giờ cũng có số điểm ở mức đó thôi, bởi vì 100 điểm là hoàn hảo, cần gì phải cải cách nữa.

Nền hành chính luôn đặt ra phải cải cách, phải có sự đổi mới, kể cả nền hành chính hiện đại. Bản thân nền hành chính của các nước hiện đại cũng chưa thỏa mãn. Tại sao khủng hoảng kinh tế, tại sao suy thoái, tất nhiên có tác động của thế giới nhưng bản thân nội tại nó có vấn đề về chính sách, cần cải cách.

Các nước tiên tiến luôn đặt ra chính sách, luôn đặt ra yêu cầu phải cải tổ bởi tự thân nền hành chính đặt ra. Các bộ có thể đua nhau cải thiện thứ hạng, chỉ số nhưng phấn đấu gì đi nữa vẫn có thể khó mà lên được thang điểm tuyệt đối.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục