Báo cáo đánh giá của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 xác định nguồn nhân lực là một trong những “nút thắt cổ chai” dẫn đến làm chậm tiến trình cải cách hành chính công, cản trở sự phát triển.
Khép lại một dự án cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực với nhiều thành quả khích lệ và mở ra một dự án mới với những kỳ vọng mở được nút thắt này, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức… là những nội dung được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
- Thưa Thứ trưởng, Dự án hỗ trợ cải cách hành chính - UNDP giai đoạn 2009-2013 đã khép lại, ông có hài lòng với hiệu quả của Dự án? Dự án mới sẽ chọn những khâu đột phá nào?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, là khâu đột phá trong toàn bộ cải cách. Trong giai đoạn 2009-2013, Dự án hỗ trợ cải cách hành chính-UNDP có bốn hợp phần, gồm: quản lý tiến trình cải cách hành chính và tăng cường xây dựng chính sách; xây dựng và thí điểm áp dụng các mô hình cải cách cung cấp dịch vụ công; cải cách chính quyền địa phương; tăng cường quan hệ đối tác và thông tin, truyền thông về cải cách hành chính.
Qua đánh giá, về cơ bản, Dự án đạt được mục tiêu, tuy nhiên, cũng có những nội dung cần tiếp tục vì cải cách hành chính là quá trình thường xuyên, liên tục và giai đoạn tới đây cũng là quá trình tiếp tục của giai đoạn trước. Sau khi đã tổng kết, đánh giá chiến lược 10 năm cải cách hành chính 2001-2010, Chính phủ đã ban hành chiến lược cải cách hành chính cho giai đoạn 10 năm tiếp theo 2011-2020; trong đó những lĩnh vực trọng tâm là thể chế, tổ chức bộ máy, cán bộ công chức, cung cấp dịch vụ công.
Giai đoạn tới, Dự án chọn bốn địa phương đại diện cho bốn vùng, 4 khu vực là Bắc Giang, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Đà Nẵng, tập trung vào những khâu đột phá của giai đoạn 2011-2020 như về công vụ, công chức, đặc biệt là việc xây dựng vị trí việc làm, xác định cơ cấu công chức theo vị trí việc làm; đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả.
- Tại sao lại chọn bốn địa phương trên, dựa vào những tiêu chí nào và việc lựa chọn này là do Bộ Nội vụ hay gợi ý của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc - UNDP, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Bốn địa phương đó là đại diện cho bốn vùng, bốn khu vực. Trong quá trình triển khai thực hiện và cả quá trình theo dõi về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cùng với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc - UNDP đã thống nhất chọn bốn điểm này làm điểm tập trung cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu của dự án lần này là tăng cường đối thoại chính sách và đặc biệt là chia sẻ kết quả của bốn địa phương đó để đánh giá những bài học, tài liệu hóa và tiến tới thể chế hóa thành văn bản quy phạm của nhà nước để có thể triển khai rộng cho các địa phương, bộ, ngành.
- Bộ chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX đã xếp hạng 19 bộ, ngành và 63 địa phương trong triển khai cải cách hành chính, Thứ trưởng nhận thấy kết quả thực tế như thế nào, có phù hợp với những gì dư luận đã phản ánh?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Kết quả đánh giá công tác triển khai cải cách hành chính đang trong quá trình hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền công bố vào thời điểm thích hợp.
Kết quả đánh giá này cũng là cơ sở để 19 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố thực hiện việc cải cách hành chính tốt hơn, phục vụ dân, doanh nghiệp, xã hội tốt hơn.
- Thành phố Đà Nẵng đã thí điểm hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ công chức, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hệ thống này và hệ thống này có được nhân rộng ra các bộ, ngành, địa phương?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Đây là ý tưởng mà cá nhân tôi rất ủng hộ qua theo dõi về cải cách hành chính của Đà Nẵng. Thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức được thực hiện theo Quyết định 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành quy chế đánh giá công chức hàng năm. Quy chế gồm 8 tiêu chí và điểm mỗi tiêu chí thành phần là 10, ví dụ như cứ mỗi tiêu chí 9 điểm, nhân lên thành 72 điểm là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để đánh giá đội ngũ công chức, điều đầu tiên là chọn tiêu chí đánh giá cho đúng. Thứ hai là lượng hóa các tiêu chí đó, tức là chấm điểm các tiêu chí với khung điểm là bao nhiêu? Thứ ba là đối tượng tham gia đánh giá. Ví dụ, Quyết định 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC là đánh giá trong nội bộ, Thủ trưởng, nhân viên, tập thể đánh giá, nhưng sắp tới có thể mở rộng đối tượng tham gia đánh giá và điều quan trọng nữa là phương pháp đánh giá như thế nào để sao cho cùng một vị trí công việc, ở hai cơ quan khác nhau. Ví dụ hai giám đốc sở ở hai cơ quan khác nhau hoặc hai trưởng phòng hai cơ quan khác nhau trong cùng địa phương đừng chênh lệch nhau quá. Đây đang là điều kỳ vọng, nếu làm tốt việc này sẽ phải có sơ kết, tổng kết và nhân rộng, chia sẻ kết quả này trong các địa phương, mở rộng dần thí điểm, tiến tới giúp các cơ quan quản lý ở trung ương, đặc biệt là Bộ Nội vụ phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính có thể thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
- Thành phố Đà Nẵng có rất nhiều cải cách, nhiều sáng kiến nhưng số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng vượt qua con số 1%. Nếu theo cách đánh giá của Đà Nẵng, theo ông, khi áp dụng rộng ra các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ này sẽ như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng: Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tiêu chí đánh giá và lượng hóa đánh giá, đối tượng tham gia đánh giá, kể cả phương pháp đánh giá. Phần trăm đó nó phụ thuộc rất nhiều vào nội dung đánh giá như thế nào.
Đà Nẵng đang triển khai thí điểm, phải có sơ kết, tổng kết, sau đó rút ra những nội dung có thể nhân rộng được, những nội dung cần phải hoàn thiện tiếp. Hiện nay, việc này chưa tổng kết. Bộ Nội vụ đang chỉ đạo Đà Nẵng sớm tổng kết qua việc đánh giá cán bộ công chức, nếu có kết quả tốt sẽ mở rộng.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!