Chiến thắng Tây Bắc: Nét mới về nghệ thuật chiến dịch của Đảng

Chiến dịch Tây Bắc đã có sự kết hợp chặt chẽ, rõ nét hơn giữa nhiệm vụ quân sự với nhiệm vụ chính trị, đây là nét mới về tư duy nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch nói riêng của Đảng.
Chiến thắng Tây Bắc: Nét mới về nghệ thuật chiến dịch của Đảng ảnh 1Các đơn vị tham gia chiến dịch trèo đèo lội suối vượt sông tiến vào Tây Bắc. Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược. (Ảnh: TTXVN)

Cách đây 70 năm, sau gần 2 tháng tiến công địch (từ ngày 14/10 đến 10/12/1952), chiến dịch Tây Bắc đã kết thúc thắng lợi, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng.

Chiến thắng Tây Bắc đã đi vào lịch sử, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trên nhiều phương diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Tây Bắc - địa bàn chiến lược quan trọng

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Tây Bắc là một vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, gồm 5 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa căn cứ địa Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 của Việt Nam và vùng Thượng Lào, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc.

Từ Tây Bắc, địch có thể uy hiếp căn cứ địa của ta ở Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Tuy nhiên, lực lượng địch cùng hệ thống phòng thủ ở Tây Bắc tương đối yếu, chỉ có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu-Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động. Ngoài ra, địch còn có tiểu đoàn dù ở Hà Nội để khi cần có thể dùng đường không cơ động đến tăng viện.

Trong trường hợp bị ta tiến công, tuy quân Pháp sẽ tăng viện đối phó, nhưng không thể khắc phục hết những khó khăn do ở thế bị động, mà chiến trường lại rộng lớn, địa hình chia cắt.

Trên cơ sở phân tích và so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng thời thực hiện chủ trương chuyển hướng tiến công chiến lược tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh, tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai-Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.

Có thể thấy, nhiệm vụ chiến dịch Tây Bắc đã có sự kết hợp chặt chẽ, rõ nét hơn giữa nhiệm vụ quân sự với nhiệm vụ chính trị, đây cũng là nét mới về tư duy nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch nói riêng của Đảng ta.

Chiến thắng Tây Bắc: Nét mới về nghệ thuật chiến dịch của Đảng ảnh 2Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, ngày 9/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi," “gặp thuận lợi thì phải quyết tâm phát triển, gặp khó khăn thì phải quyết tâm khắc phục."

Cùng ngày, Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ nhiệm Cung cấp.

Bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chiến dịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 14/10 đến 10/12/1952, với sự tham gia của các Đại đoàn 308, 312, 316 (thiếu), Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội Sơn pháo 75 ly, 3 đại đội súng cối 120 ly, 1 trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương thuộc các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Khoảng 35.000 dân công được huy động phục vụ chiến dịch.

Để giữ bí mật hướng chiến dịch, “vượt qua” hệ thống tình báo theo dõi của quân Pháp, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu của ta đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị làm tốt công tác phòng gian, bảo mật; đồng thời tổ chức kế hoạch nghi binh rất chu đáo, chặt chẽ.

[Chiến thắng Tây Bắc năm 1952: Bước trưởng thành của quân đội nhân dân]

Ta đưa một bộ phận quân chủ lực (Đại đoàn 320, Đại đoàn 304) cùng một số đại đội trinh sát của Bộ về tăng cường hoạt động ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Các đại đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Bắc (308, 312, 316) đứng chân ở trung du Bắc Bộ được lệnh cơ động về Tây Bắc, để lại hệ thống điện đài thường dùng nguyên vị trí cũ và phát sóng theo phiên thường lệ...

Hoạt động nghi binh đó của ta đã “đánh lừa” được Bộ chỉ huy quân Pháp. Chúng nhận định các Đại đoàn 308, 312, 316 của ta “án binh bất động” ở trung du Bắc Bộ và phán đoán hướng tiến công chủ yếu của ta trong Thu Đông 1952 là đồng bằng Bắc Bộ và tìm cách chuẩn bị đối phó.

Khi ta nổ súng chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp rất bất ngờ, nhanh chóng rơi vào tình thế bị động, lúng túng và chịu thất bại. Đây cũng là nét đặc sắc về nghệ thuật nghi binh tài tình của ta.

Chiến dịch Tây Bắc chia làm ba đợt tiến công trên các khu vực khác nhau, với phương châm “đánh điểm, diệt viện."

Đợt 1 (từ ngày 14 đến 23/10/1952), Bộ Chỉ huy chiến dịch sử dụng 2 đại đoàn, 1 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh chiến dịch tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch.

Đợt 2 (từ ngày 7 đến 22/11/1952), ta sử dụng 6 trung đoàn, cùng lực lượng binh chủng, tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, phá vỡ lá chắn của địch trên Đường 41, buộc chúng phải rút khỏi các vị trí Chiềng Pan, Sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa... Đường 41 vào Tây Bắc được khai thông tạo điều kiện để các đơn vị trên hướng thọc sâu giải phóng Mường Sài, Sơn La và một vùng đất đai rộng lớn ở phía Nam Lai Châu.

Chiến thắng Tây Bắc: Nét mới về nghệ thuật chiến dịch của Đảng ảnh 3Một trong những vị trí của địch bị quân ta tấn công tiêu diệt trong chiến dịch Tây Bắc 1952. (Ảnh: TTXVN)

Đợt 3 (từ 30/11 đến 10/12/1952), ta tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Do các trận đánh lớn vào Nà Sản không đạt được mục đích đề ra, Ban Chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch và lệnh cho các đơn vị cơ động ra vùng hậu cứ củng cố lực lượng, giúp nhân dân xây dựng hậu phương, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Đây là quyết định kịp thời, thể hiện quá trình điều hành tác chiến linh hoạt, biết chủ động tiến công khi có điều kiện và kết thúc vào thời điểm có lợi nhất.

Như vậy, sau gần 2 tháng, ngày 10/12/1952, chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, gồm tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân. Ta đã diệt, bắt sống và làm bị thương hơn 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái," “Xứ Nùng tự trị” của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn.

Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. 8/10 đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.

Chiến thắng Tây Bắc năm 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trên nhiều phương diện của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Với chiến thắng này, về mặt chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật đã phát triển lên một bước mới, thể hiện những nét đặc sắc về chủ động mở hướng tiến công địch trên địa bàn rừng núi và xác định đúng mục đích chiến dịch; thực hiện thành công phương châm “đánh điểm, diệt viện," biết tập trung ưu thế binh, hỏa lực trong những trận then chốt, phá vỡ khu vực phòng ngự mạnh của địch; công tác nghi binh, kết thúc chiến dịch đúng đắn, linh hoạt, kịp thời. So với các chiến dịch trước, đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự phát triển mới về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật của quân đội ta trong giai đoạn này.

70 năm đã trôi qua nhưng giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm trong Chiến dịch Tây Bắc vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm quý báu về xây dựng quân đội trong Chiến dịch Tây Bắc là tiền đề quan trọng để góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục