Chính phủ Myanmar tổ chức họp khẩn về vấn đề an ninh quốc gia

Chính phủ Myanmar vừa tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Nay Pyi Taw, nhằm thảo luận vấn đề an ninh quốc gia và các mối quan hệ quốc tế.
Chính phủ Myanmar tổ chức họp khẩn về vấn đề an ninh quốc gia ảnh 1Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Myanmar vừa tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Nay Pyi Taw, nhằm thảo luận vấn đề an ninh quốc gia và các mối quan hệ quốc tế.

Ngày 8/6, Phủ Tổng thống Myanmar ra tuyên bố cho biết tại cuộc họp, các quan chức và tướng lĩnh quân đội đã tập trung thảo luận các vấn đề trong nước sau khi nước này ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) để tổ chức đa phương này có thể tiếp cận và tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine và hỗ trợ hồi hương người Rohingya, việc thành lập một ủy ban điều tra, các vấn đề liên quan bang Rakhine, an ninh biên giới...

Tham dự cuộc họp có 15 lãnh đạo cấp cao của Myanmar, trong đó có Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing. Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi Myanmar ký MoU với các tổ chức của Liên hợp quốc.

[Myanmar và LHQ ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ hồi hương người Rohingya]

Theo văn bản này, UNHCR sẽ cùng Chính phủ Myanmar triển khai công tác chuẩn bị cho hoạt động hồi hương tự nguyện và tiếp cận đánh giá những vị trí triển khai dự án thí điểm. UNHCR cũng sẽ hợp tác với UNDP để tái thiết và phát triển khu vực tiềm năng.

Cùng với đó, UNDP cũng hợp tác với chính phủ triển khai quy trình tái thiết và phát triển mang lại lợi ích cho các cộng đồng dân cư; đẩy mạnh liên kết xã hội giữa các cộng đồng và hỗ trợ tiếp cận đời sống.

Khoảng 700.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Myanmar để tới Bangladesh sau khi quân đội chính phủ triển khai chiến dịch trấn áp những phần tử nổi dậy tại Rohingya hồi tháng 8/2017.

Myanmar và Bangladesh đã ký thỏa thuận hồi hương người Rohingya và tháng 11/2017 nhưng vì lo ngại tình hình an ninh nên chỉ có một số nhỏ người dân lựa chọn quay trở về. Hiện hai bên vẫn đổ lỗi cho nhau cản trở quá trình thực hiện thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục