Chuyên gia Đức: Vùng nông thôn là giải pháp để hội nhập người tị nạn

Giới chuyên gia Đức nhận định vùng nông thôn nước này có thể đóng vai trò then chốt trong việc hội nhập xã hội cho người tị nạn và giúp tăng lượng dân cư nông thôn.
 
Chuyên gia Đức: Vùng nông thôn là giải pháp để hội nhập người tị nạn ảnh 1Người tị nạn tại Đức. (Nguồn: EPA)

Giới chuyên gia Đức ngày 25/1 nhận định các làng xã và thị trấn nhỏ ở nước này có thể đóng vai trò then chốt trong việc hội nhập xã hội cho phần đông những người tị nạn, và đổi lại, những người này sẽ giúp hồi sinh lượng dân cư nông thôn đang ngày một giảm đi tại đây.

Ông Karl-Friedrich Thoene, thuộc Bộ Hạ tầng và Nông nghiệp của bang Thuringen, cho rằng khu vực nông thôn không giống như các thành phố lớn đông dân cư, nên sẽ không hình thành các xã hội tồn tại song song.

Do vậy cộng đồng làng xã trong khu vực này, sẽ trở thành “cơ hội lý tưởng cho sự hội nhập” của người tị nạn.

Theo chuyên gia về các vấn đề tị nạn Gudrun Kirchhoff thuộc Viện Các vấn đề Đô thị Đức, mức sống thấp hơn, tiền thuê nhà rẻ hơn và các cộng đồng có kết nối chặt chẽ ở nông thôn là “các yếu tố chính cho sự thành công” trong việc hội nhập những người mới đến.

Kể từ năm 2014, Đức đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu người tìm kiếm quy chế tị nạn, chủ yếu trốn chạy khỏi xung đột và nội chiến tại Syria.

Giới chức Đức cũng đã bố trí nơi cư trú cho những người này trên khắp đất nước, từ các thành phố cho tới các thị trấn, làng xã.

Tiêu biểu, xã Hofheim thuộc bang Bayern và sáu cộng đồng lân cận đã tiếp nhận tổng cộng 224 người di cư và giúp họ có cuộc sống ổn định trong 19 căn nhà.

Các nhóm hỗ trợ người tị nạn của các cộng đồng này còn tổ chức nhiều lớp dạy tiếng Đức, an toàn giao thông và các hoạt động thể thao.

Ông Wolfgang Borst, người đứng đầu xã Hofheim với 5.000 dân, là một trong số những người đánh giá tích cực về làn sóng người nhập cư, coi đó là một cơ hội, giúp giải quyết tình trạng dân số xã này đang giảm dần.

Tuy nhiên, cuộc sống ở các cộng đồng xa xôi cũng tồn tại một số hạn chế như nơi ở cách xa nhau, hệ thống giao thông công cộng còn ít ỏi, khó tiếp cận với các khu vực dịch vụ y tế...

Bên cạnh đó, khi đã nhận được quy chế tị nạn tại các vùng nông thôn thì những người tị nạn lại được tự do rời đi.

Nhiều người đã chọn rời tới các thành phố, nơi có triển vọng việc làm cao hơn.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách khuyến khích để thuyết phục người di cư ở lại các vùng nông thôn, cũng như cần quan tâm để lợi ích của người mới đến không đối chọi với lợi ích của cư dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục