Chuyên gia Nga Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu, cho biết ông tin tưởng Việt Nam sẽ ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó thực hiện tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Trofimchuk đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian qua khá hiệu quả, theo đó chất lượng y tế và các biện pháp vệ sinh dịch tễ là những điều mà Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước. Ông Trofimchuk nhấn mạnh: “Việt Nam là một ví dụ đáng ngạc nhiên khi nhiều người được chữa khỏi bệnh, các bạn đã công khai và cởi mở, đưa ra những thống kê đầy đủ về các trường hợp lây nhiễm, khỏi bệnh hoặc cần theo dõi y tế."
Ông bày tỏ hoan nghênh quan điểm này của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với thế giới trong lĩnh vực y tế nói chung và trong cuộc chiến chống COVID-19 nói riêng, sự tham gia của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh, phòng chống dịch bệnh, cho rằng qua đó Việt Nam đang thực hiện tốt vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, chuyên gia Grigory Trofimchuk bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ một lần nữa vượt qua đại dịch COVID-19, bởi “nhân dân Việt Nam đã từng trải qua nhiều thử thách trong mấy chục năm qua.”
[Bộ Ngoại giao: Người Việt Nam ở nước ngoài tạm thời không về nước]
Đề cập tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với Nga, ông Trofimchuk cho rằng mặc dù tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên tổng dân số của Nga chưa phải quá cao và tình hình ở LB Nga chưa đến mức là đại dịch, song chính quyền Nga đã áp dụng các biện pháp khá kiên quyết và cụ thể để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, không chỉ ở thủ đô Moskva, mà còn trên toàn lãnh thổ LB Nga. Điều này có những tác động nhất định đến nền kinh tế, cũng như đến tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Dự báo về triển vọng phục hồi ở khu vực châu Á sau dịch COVID-19, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á–Âu bày tỏ tin tưởng châu Á với đầy đủ nguồn lực về kinh tế, tài chính và nguyên liệu vẫn sẽ là trung tâm tăng trưởng kinh tế của thế giới. Chuyên gia Nga khuyến nghị trong khi phòng chống dịch COVID-19, châu Á cũng cần đồng thời thiết lập đường hướng chiến lược để phát triển kinh tế cho tương lai./.