Chuyện về người quản trang ở Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng

Hơn 30 năm qua, ông Ngô Thọ Chính - Tổ trưởng Tổ bảo vệ Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng đã âm thầm, cần mẫn chăm lo quét dọn, hương khói cho gần 2.000 ngôi mộ liệt sỹ.
Chuyện về người quản trang ở Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng ảnh 1Ông Chính thắp hương cho các phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Đến Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng (phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) vào những ngày tháng 7 này dễ dàng bắt gặp hình ảnh người quản trang cần mẫn, cặm cụi hương khói, quét dọn và chăm lo cho từng phần mộ.

Ông là Ngô Thọ Chính - Tổ trưởng Tổ bảo vệ Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng. Hơn 30 năm qua ông đã âm thầm, tận tâm, hết lòng với nhiệm vụ của mình để nơi yên giấc của các liệt sỹ luôn sạch đẹp, ấm cúng. Những năm gần đây ông có thêm một người đồng nghiệp để san sẻ công việc.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nam Ngạn anh hùng, ông Chính từng chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh và sự hy sinh của các chiến sỹ trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Năm 1988, khi biết Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng thiếu người trông coi, chăm sóc, ông đã xin về đây làm bảo vệ.

Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng là nơi an nghỉ của gần 2.000 người con ưu tú - những người ra đi ở lứa tuổi 20 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đây cũng là nơi an nghỉ của các liệt sỹ là quân tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào.

Theo lời kể của ông Chính, cách đây hơn 30 năm, khu vực Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng rất vắng vẻ, cây cối rậm rạp, um tùm và cũng chưa có điện, nước.

Vì vậy những ngày đầu, ngoài công việc trông coi nghĩa trang, ông bò công sức phát quang các bụi rậm, san bằng các hố bom còn sót lại, nhổ cỏ, quét dọn, cải tạo và chỉnh trang lại khuôn viên nghĩa trang.

Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, 30 năm qua không kể nắng mưa, người quản trang đều cần mẫn, tận tụy với công việc của mình.

[Bộ Quốc phòng tri ân 50 tỷ đồng tu bổ Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên]

Coi liệt sỹ như những người thân đã khuất của chính mình, hàng ngày ông chăm chút cho từng ngôi mộ. Vào những ngày rằm, mùng 1 ông đều cẩn thận lau mộ, rửa cốc chén, rút chân hương, chuẩn bị hoa quả thắp hương với tấm lòng thành kính.

Hằng năm, khi các gia đình sum họp quây quần bên mâm cơm giao thừa, ông vẫn cặm cụi nơi nghĩa trang vắng vẻ để làm lễ cầu siêu và thắp nén hương thành kính cho gần 2.000 ngôi mộ trước thời khắc giao thừa.

Nở nụ cười hiền hậu, ông Chính chia sẻ: "Với tôi, làm bảo vệ tại nghĩa trang liệt sỹ không đơn giản chỉ là công việc hết tháng nhận lương mà trên hết đó còn là cách để tôi tri ân tới thế hệ đi trước. Anh trai của tôi cũng là một liệt sỹ và hài cốt của anh ấy cũng đã được quy tập về đây để tôi tiện bề hương khói."

Chuyện về người quản trang ở Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng ảnh 2Ông Ngô Thọ Chính quét dọn tại Nghĩa trang Liệt sỹ Hàm Rồng. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Hơn 30 năm gắn bó với công việc quản trang, chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động, ông đồng cảm với nhiều gia đình phương xa lặn lội đến tìm mộ người thân. Ông chia sẻ với sự an lòng của những người mẹ, người cha hay gia đình của những người con, người cháu khi nhận được mộ người thân sau bao năm tìm kiếm.

“Cách đây vài năm, có một phụ nữ ở Vĩnh Phúc đến nghĩa trang để tìm mộ bố. Nghe đến tên liệt sỹ Nguyễn Văn Lợi, tôi đã hình dung được vị trí của ngôi mộ nằm ở dãy nào. Dẫn người con đến trước mộ của bố mình, chứng kiến những giọt nước mắt của người con gái đã tìm được phần mộ của đấng sinh thành sau nhiều năm tìm kiếm, tôi thực sự xúc động. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở nhất hiện nay là tại nghĩa trang có tới gần 1.000 ngôi mộ chưa có thông tin về nhân thân liệt sỹ. Do vậy, với trách nhiệm của mình, tôi luôn nỗ lực làm tốt công việc của mình hơn nữa để thay người thân chăm chút cho từng phần mộ, để các anh được thanh thản nơi chín suối” - ông Chính bộc bạch.

Ngoài công việc bảo vệ, chăm sóc các các phần mộ, ông Chính còn kết nối, trao đổi thông tin, hướng dẫn đường cho nhiều thân nhân liệt sỹ khắp mọi miền đất nước về Hàm Rồng tìm người thân.

Có những đợt tiếp nhận số lượng lớn hài cốt liệt sỹ tập kết về nghĩa trang, ông Chính đã thức trắng đêm để sắp xếp, hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sỹ làm thủ tục để đem lại “giấc ngủ” yên bình cho các anh.

Với những cống hiến thầm lặng của mình, năm 2015, ông Ngô Thọ Chính đã được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động -Thương binh và Xã hội.

Năm 2021, ông Chính vinh dự là một trong những cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục