Colombia kỷ luật 25 nhân viên quân sự, cảnh sát dính bê bối gián điệp

Colombia đã tước quân tịch 5 nhân viên quân sự và cảnh sát, thuyên chuyển công tác 20 nhân viên khác có liên quan tới vụ bê bối gián điệp hòng làm thất bại đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và FARC.
Colombia kỷ luật 25 nhân viên quân sự, cảnh sát dính bê bối gián điệp ảnh 1Phó đô đốc Narváez báo cáo kết quả điều tra các vụ do thám nhằm phá hoại các cuộc hòa đàm tại Colombia. (Nguồn: Bộ quốc phòng Colombia)

Colombia đã tước quân tịch năm nhân viên quân sự và cảnh sát, đồng thời thuyên chuyển công tác 20 nhân viên khác có liên quan tới các vụ bê bối gián điệp hòng làm thất bại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

Trong cuộc họp báo ngày 23/1 tại thủ đô Bogota về kết quả điều tra các vụ do thám trên, Phó đô đốc César Augusto Narváez, Tổng thanh tra Lực lượng quân sự Colombia, cho biết trong số các đối tượng bị kỷ luật có 13 sỹ quan, 9 hạ sỹ quan, 2 nhân viên tuần tra và 1 viên chức quốc phòng.

Đây là kết quả của quá trình điều tra sau khi tháng Hai năm ngoái, báo chí Colombia phanh vui vụ các quan chức chính phủ tham gia đàm phán với FARC và một số chính trị gia cánh tả cùng nhiều nhà báo bị theo dõi từ một trung tâm tình báo quân sự hoạt động núp bóng một nhà hàng và một cơ sở giảng dạy tin học ở thủ đô Bogota.

Vụ việc trở nên trầm trọng hơn ba tháng sau đó, khi các nhà chức trách bắt giữ một đối tượng có tên Andrés Sepúlveda, là nhân viên quản trị các mạng xã hội phục vụ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Óscar Iván Zuluaga của đảng cánh hữu Trung tâm dân chủ.

Theo Viện kiểm sát Colombia, ông Sepúlveda đột nhập vào mạng máy tính để đánh cắp thông tin mật nhằm phá hoại các cuộc hòa đàm giữa chính phủ và FARC diễn ra từ tháng 11/2012 tại Cuba. Các cuộc thương thuyết này vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung tâm dân chủ.

Vụ bê bối gián điệp trên đã khiến tướng Ricardo Zúñiga, người đứng đầu tình báo Lục quân, và tướng Óscar Zuluaga, Giám đốc Trung tâm tình báo kỹ thuật của quân chủng này, bị cách chức.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và FARC nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 50 năm qua khiến gần 230.000 người thiệt mạng và 5,3 triệu người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Sau hơn hai năm thương thảo, hai bên đã đạt được thỏa thuận trong ba vấn đề trọng yếu gồm chính sách phát triển nông thôn, kiểm soát ma túy và tương lai chính trị của FARC sau khi ký thỏa thuận hòa bình.

Tuy nhiên những thỏa thuận đã đạt được chỉ có hiệu lực nếu hai bên đạt được sự nhất trí trong tất cả các điểm của chương trình nghị sự. Hiện hai bên vẫn còn thảo luận về việc giải giáp FARC và bồi thường cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục