Cộng đồng kinh tế ASEAN tăng năng lực cạnh tranh của khu vực

AEC sẽ làm thay đổi môi trường cạnh tranh chung của ASEAN, tăng cường năng lực cạnh tranh chung của toàn khu vực trước những sức ép hội nhập khác từ bên ngoài.
Cộng đồng kinh tế ASEAN tăng năng lực cạnh tranh của khu vực ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trước thềm Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào 31/12/2015 và kỷ niệm 20 năm Việt Nam đứng trong ngôi nhà chung ASEAN, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trước việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị những gì để đón nhận cơ hội lớn này.

- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa mà Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại cho khu vực Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam trước bối cảnh khu vực và thế giới đang nhiều bất ổn như hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Ý nghĩa lớn nhất nằm trong mục tiêu mà Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng tới đó là muốn đem đến một khuôn khổ hội nhập kinh tế ở mức độ cao hơn. Hiện tại, Việt Nam mong muốn hội nhập cao hơn thì các nước ASEAN cũng muốn hội nhập vào thế giới ở mức độ cao hơn.

Để làm được điều này thì ASEAN phải thay đổi mình và nhắm vào những điểm chưa đạt được như trở thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất chung thống nhất. Cùng với đó là mang đến sự phát triển cân bằng giữa các nền kinh tế trong khu vực ASEAN, làm cho các nền kinh tế ASEAN xích lại gần nhau hơn và đạt được một sự tương đồng trong trình độ phát triển kinh tế của khu vực.

Không dừng lại ở đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN còn làm thay đổi môi trường cạnh tranh chung của ASEAN, tăng cường nhiều hơn năng lực cạnh tranh chung của toàn khu vực trước những sức ép hội nhập khác từ bên ngoài. Đây là năng lực cạnh tranh quan trọng khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện vào cuối năm nay.

- Vừa qua, tại Kuala Lumpur lãnh đạo 10 nước ASEAN cho biết sẽ thành lập AEC vào ngày 31/12 tới. Vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng, Việt Nam có theo kịp tiến trình hội nhập với các nước trong khối hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Rất nhiều ý kiến cho rằng khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN là ngày mai có thể hình thành. Tuy nhiên thành lập một cộng đồng kinh tế nói chung và trong đó Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng là cả một tiến trình chứ không phải là một thời điểm cụ thể.

Cộng đồng kinh tế ASEAN tăng năng lực cạnh tranh của khu vực ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo lộ trình thì ngày 31/12/2015 này mới bước đầu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Các bước tiếp theo là phải thực hiện bốn mục tiêu lớn của giai đoạn này là xây dựng một khu vực sản xuất chung, một thị trường chung, một khu vực phát triển đồng đều và một khu vực có sự cạnh tranh hội nhập quốc tế.

Sau khi hình thành, chúng ta đã có lộ trình và tầm nhìn đến năm 2025, nghĩa là trong 10 năm tiếp theo với 5 mục tiêu lớn mà các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN vừa công bố và tiến trình như vậy sẽ tiếp tục cho những giai đoạn tiếp theo cho cả một quá trình hình thành và hoàn thiện.

Như vậy, Cộng đồng kinh tế ASEAN không phải hình thành ngay một lúc mà có từng giai đoạn để thích ứng dần dần, để có thể tận dụng được cơ hội từng bước một và vượt qua thách thức.

- Cũng như các cam kết hội nhập và mở cửa thị trường khác mà Việt Nam tham gia những cơ hội mở ra luôn đi kèm với thách thức. Vậy theo Thứ trưởng, những cơ hội và thách thức nào đang và sẽ đặt ra với doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam khi tham gia AEC?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Bất kỳ một kênh hội nhập nào thì cơ hội bao giờ cũng nhiều hơn thách thức nếu không các nước sẽ không hội nhập. Tuy vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp ASEAN nói chung phải hạn chế những thách thức và tăng cường những cơ hội dự kiến có được khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thực hiện vào năm 2015.

Vấn đề được đặt lên hàng đầu là thuế quan được giảm thiểu đáng kể. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với những thị trường lớn hơn ngoài ASEAN. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên thông qua kênh này để tiếp cận với những thị trường và đối tác lớn về kinh tế sẽ làm gia tăng lợi ích hơn nữa.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng những ưu đãi mà các thành viên ASEAN dành cho nhau khi tham gia vào AEC.

Đơn cử như để tham gia vào AEC thì phải cắt giảm thuế quan, phải dỡ bỏ những rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, dịch vụ, những luồng vốn tự do di chuyển và những lao động thuộc các ngành nghề khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng tốt hơn cũng như khi Cộng đồng kinh tế ASEAN thành một khối thống nhất thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ coi đây là môi trường đầu tư hấp dẫn.

Nhờ vậy, đây sẽ được coi như là một môi trường đầu tư có sự đảm bảo về thể chế. Cơ cấu hàng xuất khẩu và nhập khẩu cũng qua đó mà thay đổi và sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, việc giảm thuế nhanh sẽ khiến hàng hóa của các nước ASEAN có độ tương đồng với Việt Nam sẽ tràn vào thị trường nội địa. Đây sẽ là sự cạnh tranh không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam, nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị sẵn sàng thì ngay cả những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như hàng nông sản, hàng tiêu dùng, thậm chí cả thủy, hải sản, dệt may,… sẽ bị sức ép cạnh tranh rất lớn.

Cộng đồng kinh tế ASEAN tăng năng lực cạnh tranh của khu vực ảnh 3(Nguồn: AFP/TTXVN)

Một thách thức nữa là các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ trong mục tiêu của AEC. Những quy định về bảo vệ người tiêu dùng sẽ làm cho các doanh nghiệp Việt Nam phải khắt khe hơn nữa với qui trình sản xuất, cũng như việc đăng ký nhãn mác cho hàng hóa của mình.

Cuối cùng, đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực ASEAN cũng là một thách thức không nhỏ khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế này.

- Để có bước đi vững vàng trên con đường hội nhập kinh tế ASEAN, theo Thứ trưởng các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để tự tin khi tham gia hội nhập?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Mặc dù ở tầm vĩ mô, Chính phủ và các bộ, ngành đã chuẩn bị tương đối tốt. Tuy nhiên, ở phía các doanh nghiệp, AEC vẫn là một “thứ” gì đó xa vời.

Một là, do tâm lý coi ASEAN chỉ là thị trường nhỏ, các thị trường khác quan trọng hơn. Thứ hai, thị trường ASEAN còn nhiều thủ tục và rào cản. Thứ ba, lợi thế so sánh của các quốc gia khá tương đồng, mức độ bổ trợ thương mại thấp và cạnh tranh cao.

Thứ tư, còn khoảng cách rất lớn giữa công tác tuyên truyền và tiếp nhận của doanh nghiệp. Trong khi đó, các thông tin tuyên truyền về WTO, TPP rất nhiều nhưng về AEC còn hạn chế. Hơn nữa, các thông tin về AEC hiện rất chung chung, không sát thực với các doanh nghiệp trong từng ngành hàng cụ thể.

Thứ năm, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phải “vật lộn” với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay nên chưa đủ tiềm lực để chủ động quan tâm tới hội nhập.

Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu rõ nội dung mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Bởi, không thể tranh thủ cơ hội mang lại mà không biết mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN là gì, thuế giảm thế nào, mức độ, thời hạn, lộ trình giảm ra sao, dịch vụ dự kiến mở những ngành, lĩnh vực nào…

Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không chuẩn bị tốt Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội mà AEC mang lại mà phải đối mặt với thách thức nhiều hơn.

Ngoài ra, khi thực hiện mục tiêu AEC vào năm 2015 thì những cam kết bắt buộc phải thực hiện liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động có kỹ năng, vốn, tài chính,… thì các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị tốt trong việc bảo vệ thương hiệu cũng như đảm bảo chất lượng mẫu mã tốt hơn và đặc biệt là những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cộng đồng kinh tế ASEAN tăng năng lực cạnh tranh của khu vực ảnh 4Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Đặc biệt, doanh nghiệp phải biết tận dụng những cơ hội mà các doanh nghiệp khác trong khu vực ASEAN có được và tích cực hơn nữa trong việc liên hệ với những cơ quan phụ trách những nội dung khác nhau của mục tiêu Cộng đồng kinh tế ASEAN để có được những thông tin cập nhật.

- Trước sự kiện Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã có động thái gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Đối với các lĩnh vực như dịch vụ, vận tải, cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, ASEAN thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trong năm 2016. Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng AEC.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) khẳng định ưu tiên của ASEAN trong thời gian tới là thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong khu vực. Ưu tiên này của ASEAN cũng phù hợp với nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam.

Đây cũng là các nội dung hoạt động Việt Nam đã và đang triển khai tích cực. Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/TT-BCT ngày 20/8/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Cùng với đó, Việt Nam đang chuẩn bị ký Nghị định thư khung pháp lý Cơ chế một cửa ASEAN và dự kiến sẽ kết nối Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia vào tháng Chín tới.

Đặc biệt, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án về Cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN với trọng tâm là cung cấp thông tin về các biện pháp phi thuế liên quan tới thương mại.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục