COVID-19: Đức kéo dài và siết chặt các biện pháp chống dịch

Chính phủ liên bang Đức và chính quyền các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa sau ngày 10/1 cho tới ngày 31/1 tới.
Khu vực Cổng thành Brandenburg ở Berlin vắng người qua lại do COVID-19. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)
Khu vực Cổng thành Brandenburg ở Berlin vắng người qua lại do COVID-19. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức ngày 5/1 đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại cuộc họp trực tuyến ngày 5/1, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang đang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa sau ngày 10/1 cho tới ngày 31/1 tới, đồng thời hạn chế việc đi ra khỏi nơi ở quá 15km đối với các vùng có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca/100.000 dân trong 7 ngày, ngoại trừ một số lý do chính đáng như đi khám bệnh hay đi làm.

Bên cạnh đó, các cuộc tiếp xúc cũng bị giới hạn, chỉ cho phép những người trong một nhà gặp một người không sống cùng hộ gia đình.

Các cơ sở dưỡng lão cũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt, như tiến hành xét nghiệm nhanh đối với các trường hợp vào các cơ sở này cho tới khi mọi người trong cơ sở dưỡng lão được tiêm chủng đủ 2 mũi vắcxin.

Chính phủ liên bang sẽ triển khai thêm 30.000 tình nguyện viên tới các cơ sở dưỡng lão để giảm tải về nhân lực trong công tác xét nghiệm nhanh, trong đó mỗi cơ sở sẽ có 2 tình nguyện viên.

Ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm và hàng thiết yếu, còn lại tất cả các nhà hàng, quán bar, cơ sở giải trí, thể thao... sẽ tiếp tục đóng cửa tới cuối tháng, tuy nhiên vẫn cho phép các nhà hàng bán đồ ăn mang đi.

[Chính phủ Đức quyết định kéo dài lệnh phong tỏa do dịch COVID-19]

Đối với trường học, liên bang và các bang nhất trí tiếp tục đóng cửa các trường học và nhà trẻ tới hết tháng 1. Từ đầu tháng 2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 có thể bắt đầu tới trường trở lại và sẽ được áp dụng mô hình chuyển đổi học ở trường và học tại nhà.

Phát biểu họp báo sau cuộc gặp với các thủ hiến bang, Thủ tướng Merkel cảnh báo tình hình đã có những diễn biến ở mức nguy hiểm, liên quan tới những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và mọi nỗ lực cần tập trung để có thể giảm được chỉ số lây nhiễm xuống dưới mức 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày, theo đó có thể thực hiện được việc truy vết chuỗi lây nhiễm.

Trong khi Thị trưởng Berlin Michael Müller, Chủ tịch Hội nghị các thủ hiến Đức, cảnh báo không còn thời gian cho những biện pháp "nửa vời" và cần phải kết hợp những biện pháp nghiêm ngặt với đẩy mạnh việc tiêm chủng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nghị quyết được chính phủ liên bang và chính quyền các bang thông qua nêu rõ: "Thủ tướng và Thủ hiến các bang khẩn thiết kêu gọi mọi người dân trong 3 tuần tới hạn chế mọi cuộc gặp ở mức tối đa và nên ở nhà."

Hiện có tới 3/4 trong tổng số 410 huyện và thành phố ở Đức có chỉ số lây nhiễm vượt quá 100 ca/100.000 dân trong 7 ngày, trong đó có trên 70 huyện thị có chỉ số vượt quá 200 ca.

Theo thông báo ngày 5/1 của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), cho tới nay Đức đã tiến hành tiêm chủng được cho gần 317.000 người, trong đó có trên 131.000 trường hợp là những người ở các cơ sở dưỡng lão.

Viện Kinh tế Đức (IW) cùng ngày 5/1 đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng "cả ngày lẫn đêm" để nâng số người được tiêm chủng trên cả nước, đặc biệt là những người trên 70 tuổi.

Theo IW, tình trạng phong tỏa gây thiệt hại từ 3,5-5 tỷ euro/tuần đối với nền kinh tế Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục