Cuộc chiến Mỹ-Trung: Hong Kong đi tìm nơi trú ẩn trong cơn bão

Tình trạng hỗn loạn trong năm qua đã khiến Hong Kong phải trả giá đắt, đến tháng 12/2019, 2 người đã thiệt mạng và khoảng 2.600 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 3 tỷ đôla Hong Kong.
Cuộc chiến Mỹ-Trung: Hong Kong đi tìm nơi trú ẩn trong cơn bão ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc ngày 13/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên tờ The Straits Times, vấn đề lớn nhất hiện nay là liệu Bắc Kinh có thể ngăn được việc Khu hành chính đặc biệt Hong Kong không phải chịu những thiệt hại không mong đợi do mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Washington hay không? 

Thiệt hại không mong đợi

Để trả đũa cho quyết định của Bắc Kinh nhằm áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với Hong Kong, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp, qua đó chấm dứt đặc quyền thương mại và những đặc quyền khác của Khu hành chính này.

Tổng thống cũng ký ban hành Luật về quyền tự trị Hong Kong, theo đó cho phép tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức bị cho là vi phạm quyền tự trị của Hong Kong, trong đó điều chủ yếu là cấm tất cả các ngân hàng giao dịch với những quan chức này. 

[Mỹ chấm dứt quy chế ưu đãi dành cho Hong Kong: Con dao hai lưỡi?]

Một nguồn tin thân cận với ban lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng: “Những nhân vật diều hâu ở Mỹ muốn Hong Kong sụp đổ. Nhưng chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra.”

Nguồn tin trên cho rằng nếu tình trạng hỗn loạn tiếp tục không thuyên giảm, nó sẽ đặt dấu chấm hết cho Hong Kong với tư cách là một trung tâm tài chính, và luật an ninh quốc gia được đưa ra là để cứu Hong Kong. 

Tình trạng hỗn loạn trong năm qua đã khiến Hong Kong phải trả giá đắt. Tính đến tháng 12/2019, 2 người đã thiệt mạng và khoảng 2.600 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính hơn 3 tỷ đôla Hong Kong (HKD).

Hong Kong cũng là nơi chứng kiến sự nổi lên của tâm lý bài Trung Quốc, với việc các doanh nghiệp do Trung Quốc Đại lục sở hữu hoặc có liên quan đến Trung Quốc Đại lục đều bị tẩy chay hoặc bị phá hoại. 

Kế hoạch của Trung Quốc 

Trước phản ứng cứng rắn của Bắc Kinh, các chính trị gia và học giả phương Tây cảnh báo rằng thành phố này sẽ mất đi sức hấp dẫn với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu đầy sức sống vì gọng kìm đang siết chặt của Bắc Kinh đối với thành phố này. 

Tuy nhiên, các chính trị gia và một số học giả Trung Quốc cũng như nước ngoài cho rằng những dự đoán về sự kết thúc của Hong Kong là hấp tấp.

Họ lập luận rằng chính phủ hiện nay của Trung Quốc sẽ sử dụng mọi kế sách để ngăn Hong Kong rơi vào tình trạng đó.

Một loạt biện pháp bao gồm hội nhập thành phố này vào Khu vực Vịnh Lớn, niêm yết nhiều công ty Trung Quốc hơn ở đó, để các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc Đại lục mở rộng sự hiện diện ở trung tâm tài chính này và thúc đẩy du lịch. 

Các chuyên gia cho rằng Luật An ninh Quốc gia sẽ không phải là sự chấm dứt đối với Hong Kong. Trung Quốc sẽ tiếp tục lôi kéo Hong Kong vào Khu vực Vịnh Lớn về kinh tế. Là nơi cư trú của khoảng 68 triệu dân, Khu vực Vịnh Lớn là một “nhà máy điện” với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng hợp ước tính khoảng 1.500 tỷ USD.

Các ngành dịch vụ và tài chính có thể tiếp cận được với vùng kinh tế lớn xung quanh Đồng bằng Châu Giang, bao gồm 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông phía Nam Trung Quốc, gần Hong Kong và Macau. 

Cuộc chiến Mỹ-Trung: Hong Kong đi tìm nơi trú ẩn trong cơn bão ảnh 2Người dân bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phê chuẩn Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), tại Hong Kong ngày 30/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Về mặt vật lý, sự hội nhập này được hỗ trợ bởi tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km nối Hong Kong và Trung Quốc Đại lục được xây dựng. Khoảng 20 tỷ USD đã được chi để xây dựng hệ thống cầu đường hầm dài 55 km nối Hong Kong-Chu Hải- Macau – con đường vượt biển dài nhất thế giới. 

Các chuyên gia lạc quan cho rằng Hong Kong sẽ vượt qua những rắc rối mới đây. Điều mỉa mai là tình trạng căng thẳng của quan hệ Mỹ-Trung lại có thể giúp ích cho Khu hành chính này.

Hong Kong sẽ vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc bởi vai trò chủ yếu là để gia tăng ngoại tệ thông qua các khoản vay khi các công ty Trung Quốc ngày càng khó niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York. 

Hong Kong sẽ tiếp tục là trung tâm tài chính quốc tế. Có thể một số công ty công nghệ và nhà báo sẽ chuyển đến nơi khác, nhưng các thể chế tài chính đa quốc gia lớn, tất cả luật sư, nhân viên kế toán và nhà phân tích sẽ tiếp tục ở lại.

Bên cạnh đó, khả năng phục hồi nhanh của thị trường chứng khoán và đồng HKD cho thấy còn quá sớm để tuyên bố “án tử” cho nền kinh tế này. 

Ngoài ra, các công ty của Hong Kong cũng có thể tham gia dự án "Vành đai và Con đường" - một sáng kiến tham vọng của Trung Quốc nhằm khôi phục các tuyến thương mại trên biển và trên đất liền thời xa xưa, nối Trung Quốc với phần còn lại của châu Á, châu Âu và châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng được các ngân hàng của Trung Quốc cấp vốn. 

Giám đốc quản lý công ty tư vấn có trụ sở ở Hong Kong là Tập đoàn quốc tế một thế giới, Raymond Reed Baker nhận định rằng trong kịch bản tồi tệ nhất, nếu chính quyền trung ương không thúc đẩy du lịch, ngành hậu cần và việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO), thì nền kinh tế Hong Kong sẽ nhanh chóng suy thoái.

Tuy nhiên, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc JD.com và người khổng lồ về game online của nước này NetEase đã xuất hiện ở Hong Kong hồi tháng Sáu. 

Việc mất đi những đặc quyền thương mại với Mỹ có vẻ đáng lo ngại, nhưng đây không phải là đòn chí tử bởi Hong Kong phần lớn đã chuyển từ chế tạo sản xuất sang dịch vụ.

Tuy nhiên, việc mất đi quy chế đặc biệt với Mỹ có thể làm giảm sự hấp dẫn của Hong Kong với tư cách là một trung tâm tái xuất cho hàng xuất khẩu liên quan đến Mỹ, làm tổn thương các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và hậu cần của Hong Kong.

Theo báo cáo của Forbes, năm 2019, xuất khẩu của Hong Kong sang Mỹ đạt khoảng 39 tỷ USD, tái xuất chiếm khoảng 98% tổng xuất khẩu của Khu hành chính đặc biệt này. 

Cuộc chơi vẫn chưa kết thúc

Sự trả đũa của Trung Quốc đối với các biện pháp trừng phạt của phương Tây có khả năng sẽ làm gia tăng cơn tức giận và dẫn đến sự leo thang nguy hiểm các biện pháp “ăn miếng trả miếng.”

Trong hoàn cảnh như vậy, số phận của Hong Kong không thể thoát khỏi những cuộc đấu tài đấu trí trong những cuộc chiến lớn hơn vượt ra ngoài ranh giới vùng lãnh thổ này. 

Trong một cuộc khảo sát do Phòng thương mại Mỹ thực hiện vào đầu tháng Bảy, khoảng 83% các công ty Mỹ có trụ sở ở Hong Kong trả lời họ “rất” hoặc “ở mức độ vừa phải” lo ngại về luật an ninh quốc gia sâu rộng này.

Tuy nhiên, chỉ 5% trong số 183 công ty trả lời họ đang cân nhắc việc chuyển vốn, tài sản hay công việc kinh doanh ra khỏi Hong Kong trong ngắn hạn. 

Bà Tara Joseph, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Hong Kong, cho rằng chính sự mơ hồ đang khiến người dân lo lắng về pháp trị, và liệu pháp trị có sẽ thực sự tiếp tục tồn tại ở vùng lãnh thổ này hay không?

Giờ đây khi Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các biện pháp nhắm trực tiếp vào Hong Kong, những sợ hãi, lo lắng và những điều bất trắc chắc chắn sẽ tăng l

Tất cả các bên và các nhà quan sát bên ngoài sẽ theo dõi chặt chẽ Facebook và xem các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ phản ứng như thế nào trước các luật an ninh mới được ban hành, cũng như HSBC và các ngân hàng khác đối phó như thế nào khi họ bị vướng vào những đòi hỏi xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, và sẽ bị trừng phạt như thế nào nếu họ đi theo một trong hai bên. 

Hiện nay, giống như vùng biển le lói ánh sáng ở Cảng Victoria vào ban đêm, tất cả dường như êm đềm ở Hong Kong nếu nhìn từ xa, nhưng nếu đến gần hơn thì chúng ta sẽ thấy mặt biển đang nổi sóng với những cột nước xoáy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục