Kim Se Rin biết sẽ không thể tìm thấy tất cả những câu trả lời cho 60 năm xa cách chỉ sau 12 tiếng đồng hồ. Nhưng ông đã cố gắng hết sức.
Ông Kim (85 tuổi) là một trong 82 người cao tuổi từ Hàn Quốc trở về sau một cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc, cả cay đắng lẫn ngọt bùi, với những người thân ở Triều Tiên đã chia cắt kể từ cuộc chiến 1950-53.
Khi hàng chục nghìn người Hàn Quốc đang chờ đợi những cuộc đoàn tụ hiếm hoi này, Kim hiểu là ông đã rất may mắn. Nhưng cuộc gặp với người em gái, giờ đã 80 tuổi, cũng khiến ông đau buồn hơn.
“Có quá nhiều thứ tôi muốn và cần phải biết,” Kim nói. Là con cả trong một gia đình giàu có ở tỉnh miền bắc Hwangju, ông đã rời quê nhà tháng 12/1950 vào cao điểm của cuộc chiến tranh Triều Tiên và gia nhập quân đội Hàn Quốc.
Việc ông bỏ nhà ra đi mà không nói lời nào với bố mẹ, em trai và hai người em gái đã khiến ông thấy tội lỗi và cắn rứt cả đời, điều mà ông muốn làm nguôi ngoai bớt qua cuộc gặp người em.
Dù các cuộc đoàn tụ ở một khu nghỉ dưỡng Kumgang trên núi nằm trong lãnh thổ Triều Tiên này được tổ chức trong ba ngày, thời gian thực sự để các thân nhân gặp nhau chỉ là 12 tiếng đồng hồ.
“Tôi hỏi nó dồn dồn dập đủ thứ”, ông Kim nói với AFP. “Về cuộc sống của nó, khi nào bố mẹ qua đời, về thằng em tôi…” Chỉ tới khi ông được lựa chọn, Kim mới biết em gái mình là người duy nhất còn sống trong gia đình ở miền Bắc.
“Nó nói em tôi học y khoa và làm việc ở Bệnh viện trung ương Bình Nhưỡng một thời gian dài trước khi qua đời. Nó nhỏ hơn tôi bảy tuổi, vậy mà chết trước tôi, tôi buồn quá,” ông nói.
“Điều quan trọng nhất với bố tôi là biết điều gì xảy ra với gia đình trong cuộc chiến và họ sống ra sao sau đó”, con gái ông Kim, Kim Young Soon, đi cùng ông tới cuộc đoàn tụ, nói.
Bố mẹ họ, theo lời em gái ông Kim, thiệt mạng trong chiến tranh. “Cô tôi mang theo ảnh và nói rất nhiều chuyện kỷ niệm”, bà Kim Young Soon kể.
“Điều đó khiến bố tôi vui hơn và ông ấy biết ơn vì đã có cơ hội có cuộc gặp gỡ này trước khi nhắm mắt xuôi tay. Bạn phải hiểu, ông ấy đã 85 tuổi và đây là ước nguyện cả đời của ông ấy”.
Nhưng với một số người, cuộc gặp không đáp ứng được hy vọng của họ. Một số người than phiền người thân miền Bắc của họ phí phạm thời gian quý giá vào những vấn đề chính trị như sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam. Đã phải cần tới các cuộc tiếp xúc cấp cao hiếm hoi giữa Seoul và Bình Nhưỡng để ngăn miền Bắc hủy bỏ những cuộc đoàn tụ sau khi Hàn Quốc từ chối hoãn các cuộc tập trận hàng năm với Mỹ bắt đầu từ thứ Hai.