Cuộc gặp Trump-Putin là phép thử cải thiện quan hệ song phương

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Trump và người đồng cấp Nga Putin trong sẽ là phép thử đầu tiên về khả năng liệu Tổng thống Trump có thể cải thiện mối quan hệ hiện đang căng thẳng với Moskva hay không.
Cuộc gặp Trump-Putin là phép thử cải thiện quan hệ song phương ảnh 1Ông Putin sắp có cuộc gặp ông Trump. (Nguồn: Reuters)

Theo THX, giới chuyên gia nhận định cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong ngày 7/7 sẽ là phép thử đầu tiên về khả năng liệu Tổng thống Trump có thể cải thiện mối quan hệ hiện đang căng thẳng với Moskva hay không.

Ông Darrell West, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Viện Brookings (Mỹ) cho hay: “Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin là một phép thử quan trọng cho mối quan hệ của chính quyền mới của Washington với Moskva.”

Quả thực, có nhiều nguyên nhân gây nên căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới này, như việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Cuộc chiến tại Syria, vai trò của Iran, và căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng là những vấn đề gây căng thẳng giữa Moskva và Washington.

[Chờ đợi gì ở cuộc gặp đầu tiên giữa ông Donald Trump và Putin?]

Chuyên gia West nêu rõ: “Thật khó để tạo ra tiến triển trong tất cả những vấn đề này, tuy nhiên mọi người đều trông chờ những vấn đề gì sẽ được nêu bật và liệu có bất kỳ điểm nào mà hai bên đồng thuận hay không.”

Một chuyên gia khác là Nile Gardiner, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tự do Margaret Thatcher thuộc Quỹ Di sản cho rằng: “Đó sẽ là một phép thử quan trọng cho Tổng thống Mỹ Trump, khi đối đầu với một đối phương dạn dày kinh nghiệm hơn rất nhiều,” ám chỉ việc Tổng thống Nga Putin đã tham gia nhiều cuộc gặp tương tự trong nhiều thập kỷ.

Ông Gardiner nhận định: “Tổng thống Putin coi những cuộc trao đổi này như một ván cờ, rất nhiều quân di chuyển trên bàn cờ.”

Đề cập tới chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Trump, ông West nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ba Lan có nhiều điểm tương đồng.

Chuyên gia West cho rằng: “Nếu Nga thách thức các nước láng giềng, ông Trump nhiều khả năng sẽ nghiêng về lập trường cứng rắn hơn nhiều chống lại Moskva. Ông ấy mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moskva, song (trong bài phát biểu tại Ba Lan) ông ấy đã cho thấy mình hiểu về quá khứ (đối đầu giữa Nga và Ba Lan) và biết rằng có nhiều điều phải vượt qua.”

Dự kiến, có nhiều vấn đề được cả hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ thảo luận trong cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên, trong đó có căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng di cư tại châu Âu, cuộc chiến tại Syria.

Vấn đề khác là khủng hoảng tại Ukraine, và Nga sẽ mong muốn Mỹ hạn chế các biện pháp trừng phạt áp đặt lên nước này, mặc dù theo chuyên gia Gardiner, phía Moskva sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào.

Ông Gardiner dự báo Tổng thống Mỹ vẫn sẽ giữ nguyên lập trường về các vấn đề trừng phạt Nga khi ông ấy gặp người đồng cấp Putin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục