Cuốn sách "Đi tìm một vì sao" - Sức hấp dẫn của chân thực

"Đi tìm một vì sao" là một tác phẩm văn học đích thực với những trang văn đẹp, từ trang đầu đến trang cuối đều lấp lánh ánh sáng văn chương. Chân thật, tinh tế và nhân văn.
Cuốn sách "Đi tìm một vì sao" - Sức hấp dẫn của chân thực ảnh 1Nhà báo Hồ Quang Lợi chúc mừng tác giả Phạm Quang Nghị tại lễ ra mắt cuốn sách” Đi tìm một vì sao.”

Tôi may mắn được anh Phạm Quang Nghị gửi cho đọc bản thảo chương “Mười năm - một lát cắt thời gian” ở phần cuối của cuốn sách “Đi tìm một vì sao” trước khi in.

Đây là phần nói về quãng thời gian anh Nghị công tác ở Hà Nội. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên được đón nhận cuốn sách khi vừa in xong.

Dù đã đọc kỹ bản thảo, tôi vẫn mải miết đọc cuốn sách từ trang đầu đến trang cuối. Một sức cuốn hút lạ kỳ, ít gặp ở loại sách hồi ký và tự truyện. Đây là một cuốn sách đẹp, cả nội dung và hình thức, càng đọc càng thấy thấm. Gần gũi, thấu cảm, lay động. Bao điều chiêm nghiệm thú vị và bổ ích khi gấp lại cuốn sách.

Ngạn ngữ có câu: “Mở một cuốn sách, thấy một con người.” Quả thật, độc giả thấy rõ nét, sáng đẹp chân dung Phạm Quang Nghị, một con người sinh ra ở làng Hoành, đi qua chặng đường suốt hơn 70 năm và giờ đây, trong từng trang sách, chia sẻ với chúng ta, không chỉ về cuộc đời anh, mà còn về xã hội, con đường đất nước ở những giai đoạn lịch sử, những điểm nút thời cuộc không thể nào quên.

"Đi tìm một vì sao” là câu chuyện về một con người, nhưng đọc cuốn sách, ta thấy trong đó đất nước, dân tộc mình trong cuộc trường chinh gian lao mà chói sáng, thấy làng xóm mình, thấy những người xung quanh mình trong sự kết nối máu thịt. Chúng ta thấy cả một thế hệ - thế hệ đáng ngưỡng mộ của anh Phạm Quang Nghị. Đó là các nam thanh, nữ tú với bầu máu nóng, từ các trường đại học, xếp bút nghiên đi vào chiến trường, hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, họ lại trở về tiếp tục học tập, lao động sáng tạo, cống hiến cho công cuộc dựng xây.

Điều gì tạo nên sự chân thực?

Ấn tượng sâu sắc nhất, với tôi, là tính chân thực của cuốn sách. Chân thực làm cho quyển sách trở nên tin cậy và có giá trị - giá trị không chỉ đối với giáo dục mà còn đối với công tác nghiên cứu ở Việt Nam cũng như thế giới. Có thể tìm thấy trong cuốn sách những tư liệu lịch sử có sức sống của hiện thực.

Bởi vì, anh Phạm Quang Nghị đi vào chiến trường, rồi tham gia công tác lãnh đạo ở các cương vị khác nhau, từ đó rút ra những chiêm nghiệm đắt giá. Ở nhiều trang, khi viết về cách giải quyết các vụ việc nhạy cảm và phức tạp, tôi cảm thấy, cuốn sách như có tính cẩm nang, rất bổ ích cho những ai đang làm công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở các cấp khác nhau.

Vì sao cuốn sách đạt tới sự chân thực như vậy?

Có thể là từ khả năng quan sát hết sức nhanh nhạy và cách ghi chép khoa học, cụ thể, tỉ mỉ của tác giả khiến những người làm báo chuyên nghiệp như chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên, khâm phục.

Được đào tạo, bồi dưỡng để làm phóng viên chiến trường, lại được học qua lớp viết văn Nguyễn Du, anh Phạm Quang Nghị có tác phong của người cầm bút mẫu mực. Vốn sống phong phú, vốn ngôn ngữ dồi dào, mạch văn hoạt và thoáng.

[Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội]

Xuyên suốt hơn 600 trang sách khổ lớn là một cách nhìn hiện thực khách quan, không hề có việc tô vẽ, tuyên truyền lên gân một cách sống sượng, giáo điều. Nhưng trên hết, tôi nghĩ, điều cốt yếu nhất là anh có một lẽ sống cao đẹp, tự nguyện quăng mình trong khói lửa chiến tranh khốc liệt, sống chết cùng với nhân dân và đồng đội; rồi anh lại trải nghiệm qua thực tiễn công tác rất đa dạng. Cái đáng quý nhất, làm ta xúc động nhất ở anh là lòng nhân ái, bao dung, hết mực yêu thương con người, cảm thấu con người trong mọi cảnh ngộ… Vì thế, những điều được viết ra trong cuốn sách có sức thuyết phục, nhiều trang lay động trái tim ta.

Tôi cũng là con nông dân, sinh ra ở nông thôn, 6 anh em tôi bé lít nhít, mồ côi cha từ nhỏ, đã từng chịu cảnh đói rét, bần hàn, khổ cực nên rất thấu những câu chuyện về làng Hoành quê anh ngày thơ bé.

Những chi tiết sau đây, đọc một lần là nhớ mãi: “Những lúc không biết gửi tôi cho ai, mẹ đành cho tôi theo đi làm. Một bên quang gánh là phân gio, mạ giống; một bên mẹ đặt tôi ngồi trong chiếc thúng, quảy ra đồng. Tới ruộng mẹ để tôi ngồi dưới gốc cây. Chốc chốc mẹ dừng tay, chạy lên di chuyển chỗ tôi ngồi cho khỏi nắng. Tôi ngoan ngoãn ngồi trên bờ ruộng, mải mê ngắm nhìn từng đàn kiến vàng, kiến đen lũ lượt chạy xung quanh… Thỉnh thoảng tôi trêu ghẹo lũ kiến bằng cách lấy que ngăn cản đường đi của chúng…Tôi trông chờ đến giờ mẹ cho tôi được ăn nắm cơm mang theo ra ruộng. Một nắm cơm được mẹ úp chặt trong lòng bàn tay, không lớn hơn quả ổi là bao…”.

Hay như chuyện cậu bé Nghị bưng chiếc nồi đất đi xếp hàng xin nước xuýt, được mô tả lại: “Ông Thực mổ lợn vào những ngày chợ phiên. Hàng xóm láng giềng thường kéo nhau tới xin nước luộc lòng, quê tôi gọi là nước xuýt. Nhìn chiếc chảo gang to tướng dùng để luộc nguyên cả một cỗ lòng đang sôi ùng ục. Những làn khói thơm lựng nghi ngút bốc lên. Nào là dồi, là phổi, là tiết, là gan nhào lộn trong chảo, trông thật hấp dẫn. Mọi người chờ đợi giây phút sau khi cỗ lòng đã được vớt ra.

Ông Thục tự tay cầm chiếc gáo phân phát cho những người đang đứng vây quanh. Tùy theo số lượng nhân khẩu, nhà thì được ông múc cho một gáo, nhà thì hai, ba. Tôi háo hức chờ đến lượt từng gáo nước luộc lòng nóng hổi, thơm phưng phức được ông đổ vào chiếc nồi đất của mình. Ánh mắt tôi đổ dồn vào nồi nước xuýt. Nồi nước ấy bây giờ đã là của tôi. Những váng mỡ lấp lánh cùng với những mẩu tiết vụn đã nằm trong chiếc nồi đất tôi đang bưng trên tay. Tôi bước đi rón rén sao cho nồi nước xuýt không bị sóng sánh, mong nhanh về tới nhà để khoe với mẹ…”.

Viết như thế thì sống động đến từng chi tiết, lột tả được cả vẻ mặt, tâm trạng háo hức của người trong cuộc như trong một bộ phim điện ảnh.

Rồi câu chuyện mất mát, đau thương của chính gia đình anh khi hai đứa em gái của anh đã bị bom Mỹ giết chết trong một buổi chiều nắng tà.

“Tôi tức tốc chạy ào về nhà. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một hố rốckét khoan sâu vào thân đê ngay trước ngõ. Chuồng bò nhà tôi bị tốc mái. Con bò chết nằm quay lơ trong chuồng. Hai con lợn vừa nuôi được vài tháng cũng bị bom và rốckét xé toang ra từng mảnh, ruột gan vung vãi khắp nơi. Vào tới sân, tôi không trông thấy bóng một ai.

Lúc này bà nội tôi còn đang ẩn nấp dưới hầm chưa kịp chui lên. Mẹ tôi đang vừa chạy vừa kêu la thất thanh gọi tìm hai em: “Ối Nghệ ơi, ối Hà ơi, hai đứa ở đâu? Tôi cũng vội đi tìm hai em trong ngôi nhà hàng xóm. Tôi choáng vàng không dám tin vào mắt mình. Hai em gái của tôi cùng với một đứa trẻ nhà bên đã chết trong tư thế cả ba cùng ôm chặt lấy nhau trên nền nhà đầy máu. Những đưa trẻ đã chết trong nỗi sợ hãi đến tột cùng vì không được ai che chở… Không chỉ mất hai đứa con đang còn thơ dại, mà chính mẹ cũng đang mang trên mình hai vết thương, một mảnh bom xuyên qua đầu gối và một mảnh găm trên trán. Đã có những đêm khuya mẹ lặng lẽ trốn ra ngoài bến sông với ý định gieo mình xuống dòng nước. May sao, linh tính đã mách bảo tôi vội chạy ra sông dìu mẹ trở về nhà”.

Nhiều tác phẩm có tính hư cấu như tiểu thuyết, truyện ngắn đã viết khá thành công về sự khốc liệt của chiến tranh. Nhưng trong hồi ký, người thật, chuyện thật mà viết thật, không ngần ngại như anh Nghị là điều tôi chưa được biết: “Trên đường hành quân, có lần đang đi bỗng mọi người thấy mùi hôi thối. Linh tính mách bảo có bộ đội hy sinh quanh đấy. Mấy người chia nhau lùng sục dọc theo các lối mòn liền phát hiện thi thể một chiến sĩ nằm trên võng đã chết từ bao giờ. Tôi rón rén bước đến gần, một đàn ruồi hàng triệu, hàng triệu con vù vù bay lên như một cuộn khói đen đặc hình chiếc nấm khổng lồ. Mùi hôi thối tỏa lan càng thêm nồng nặc.

Cuốn sách "Đi tìm một vì sao" - Sức hấp dẫn của chân thực ảnh 2

Tôi không dám nhìn lâu vào thi thể người chiến sỹ đã thối rữa. Quá nửa phần thịt da người nằm đất đã bị giòi bọ ăn. Hai hố mắt sâu hoắm. Phần sọ người đã hiện ra. Khoang bụng thì nhung nhúc đầy giòi, có thể dùng bát, dùng tô mà múc được. Chắc đây là trường hợp bộ đội đi đường quá mệt tạt vào rừng mắc võng nằm nghỉ. Người chiến sĩ ấy đã không bao giờ tỉnh dậy”.

Chiến tranh là như vậy, mất mát, đau thương, tàn khốc, nhưng không phải ai cũng đã biết, đã thấu. Phải biết, phải thấu thì thấy hết sự cống hiến hy sinh của các thế hệ đi trước, mới hiểu được giá trị của hòa bình và trách nhiệm với đất nước ngày hôm nay.

Lấp lánh ánh sáng văn chương

Hồi ký, tự truyện được xuất bản khá nhiều, nhưng không phải cuốn sách nào cũng mang lại nhiều cảm xúc như “Đi tìm một vì sao.” Tôi cho rằng tự truyện mà anh Phạm Quang Nghị viết đã đạt đến độ “nghệ thuật” của thể loại này mặc dù có thể anh không có ý thức về điều đó.

Một cuốn sách, như tác giả nói nôm na là “tự kể chuyện mình” nhưng lại là tác phẩm đầy chất văn. Anh Phạm Quang Nghị đã xuất bản nhiều sách, hầu hết là sách có tính chính luận, cuốn nào cũng gây ấn tượng tốt. Nhưng đến cuốn sách này thì đây là một tác phẩm văn học đích thực với những trang văn đẹp, từ trang đầu đến trang cuối đều lấp lánh ánh sáng văn chương. Chân thật, tinh tế và nhân văn.

Tôi rớm lệ khi đọc đoạn văn anh viết về một cuộc “tiễn chân” độc nhất vô nhị khi anh rời Bù Đốp về Lộc Ninh, không phải giữa những người ruột thịt, đồng đội mà là… một đàn chó, vốn được anh nhường cho đôi ba chén cơm trong những ngày đói kém. Chúng nối nhau thành một hàng dài đưa tiễn, lúc đầu hàng trăm con, về sau cứ ít dần và cuối cùng chỉ còn một con màu lông nhạt cứ đi theo anh suốt một chặng đường dài.

Trời nắng gắt, thương con vật, anh giơ nắm cơm ra hiệu rồi bẻ một miếng để lại bên đường cho nó, nhưng kỳ lạ thay, con vật chỉ ngửi một cách vội vàng rồi lại chạy theo cho đến khi anh rẽ vào rừng cao su. Như hiểu được cuộc chia ly, từ ngoài đường, con chó đứng nhìn theo cho đến khi anh mất hút trong rừng…

Với 4 khóa là Ủy viên Trung ương Đảng, hai khóa Ủy viên Bộ Chính trị, dường như mọi việc “quốc gia đại sự”  đều có sự tham dự của anh, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều đó có thể hiểu rằng hầu như không có chuyện gì anh không biết, kể cả những chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử” của chính trường. Nhưng cuốn sách không hề khơi gợi sự tò mò cho người đọc theo hướng đó, mà hướng người đọc đến những không gian cảm xúc và suy tưởng trong sáng, đến các chiêm nghiệm bổ ích, đến các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Đó là một ngòi bút có trách nhiệm của một chính khách cấp cao. Đó là một nhân cách văn hóa!

Tầm vóc và phẩm cách văn hóa

Trong cuốn sách có chương “Mười năm, một lát cắt thời gian.” Đây là chặng đường cuối cùng trong sự nghiệp công tác của anh Phạm Quang Nghị. Tôi may mắn được đồng hành trong chặng đường 10 năm đó của anh. Trong lịch sử 1.000 năm thăng Long-Hà Nội thì thời kỳ từ năm 2005 đến 2015 là một chặng đường đầy dấu ấn, trong đó có cột mốc vàng lịch sử Đại lễ 1.000 năm.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thủ đô Hà Nội quãng thời gian này gắn với tên tuổi anh Phạm Quang Nghị. Có thể nói, những câu chuyện trong cuốn sách vẫn chưa kể hết những gì anh đã trải qua và chỉ đạo công việc Hà Nội trong 10 năm đó. Đây là một thời kỳ rất đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, một thời kỳ rất huy hoàng nhưng cũng đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Đó là một thời kỳ phải giải quyết những công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ.

Triển khai bất cứ chương trình, kế hoạch, đề án gì; giải quyết bất cứ vụ việc gì, anh Phạm Quang Nghị đều đặc biệt coi trọng yếu tố văn hóa, dùng văn hóa soi chiếu mọi việc. Anh khẳng định: Hà Nội không nhất thiết phải đi đầu về kinh tế, nhưng nhất thiết phải đi đầu và làm gương cho cả nước về văn hóa.

Tôi biết có những việc phải anh Phạm Quang Nghị thì mới giải quyết xong, như chuyện “cắt ngọn” những ngôi nhà sai phép, tháo dỡ các công trình bịt mặt vườn thú, đình chỉ việc xây 10 sân golf chiếm nhiều diện tích trồng lúa, đình chỉ xây dựng khách sạn SAS trong Công viên Thống Nhất, Trung tâm thương mại tại đường 19/12, các vụ đòi đất có nguồn gốc tôn giáo ở Nhà Chung, Thái Hà, Núi Chẽ, rồi trận mưa lịch sử suốt 72 giờ, biến phố thành sông, cả Hà Nội chìm trong biển nước…

Cuốn sách "Đi tìm một vì sao" - Sức hấp dẫn của chân thực ảnh 3Cuốn sách “Đi tìm một vì sao” là một câu chuyện đẹp về văn hóa

Và đặc biệt là sự kiện mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội - một câu chuyện quá lớn không chỉ của Hà Nội mà của cả đất nước tại thời điểm đó. Những năm tháng ấy không chỉ có chuyện vui, mà còn có cả những chuyện phức tạp vô cùng. Anh Phạm Quang Nghị là người đã nỗ lực chỉ đạo, vận hành guồng máy Hà Nội theo kiểu “vừa chạy vừa sắp hàng” nhưng vẫn nề nếp, đồng thuận, kỷ cương và hiệu quả.

Tôi nghĩ, 10 năm công tác tại Hà Nội là 10 năm rất đáng tự hào trong sự nghiệp của anh Phạm Quang Nghị. Hà Nội thời điểm đó, dù có chuyện này chuyện kia, nhưng Hà Nội phát triển mạnh, Hà Nội rạng rỡ thế Rồng bay và Hà Nội vững niềm tin khi hướng tới tương lai. Riêng tôi, sau gần 30 năm công tác tại Báo Quân đội Nhân dân với chức vụ Phó Tổng biên tập, tôi được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Thành ủy Hà Nội thống nhất điều động về làm Tổng Biên tập Hà Nội Mới.

Chưa được 2 năm rưỡi, Thành ủy lại điều động tôi về làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, một chức vụ thông thường phải là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trong khi tôi lại chưa là Thành ủy viên, điều mà như anh Nghị nói là “chưa có tiền lệ” trong lịch sử Đảng bộ Hà Nội.

Lúc đó, tôi chỉ muốn tiếp tục công việc ở Hà Nội Mới chứ không muốn làm công việc gì khác. Tôi tha thiết đề nghị “Anh chiếu cố cho nguyện vọng được làm nghề báo của em,” nhưng anh ôn tồn bảo:” Về Ban Tuyên giáo thì có ai cấm “ông” viết báo đâu.”

Và thực tế, tôi đã không rời xa cây bút một ngày nào. Tôi cảm nhận sâu sắc là anh Nghị và lãnh đạo Hà Nội đặt niềm tin ở tôi thì tôi phải nỗ lực cao nhất. Đến cuối tháng 10 năm 2010, tại Đại hội XV Đảng bộ Hà Nội, tôi được bầu vào Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy, tiếp tục làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nên lại càng có điều kiện gần gũi, gắn bó với anh Nghị trong công việc, được chứng kiến và học hỏi phong cách lãnh đạo của anh.

Trong 10 năm anh Phạm Quang Nghị làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã có khoảng hơn 100 cuộc họp của Ban thường vụ Thành ủy, nhiều cuộc họp của Ban Chấp hành để giải quyết các công việc của Hà Nội. Bao nhiêu chuyện không thể kể hết, nhưng có một câu chuyện đối ngoại rất nổi bật của anh mà quyển sách này có nhắc đến nhưng chỉ lướt qua.

Tôi nhớ, mùa Hè năm 2014, anh Phạm Quang Nghị dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng ta thăm Hoa Kỳ. Đây là người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, tính đến thời điểm bấy giờ. Chuyến đi đó, tôi đã được trực tiếp chứng kiến một cuộc đối thoại vô cùng thú vị tại Viện châu Á ở nước Mỹ giữa các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về quốc tế, về quan hệ Việt Nam-Mỹ với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Với tư cách là thành viên chính thức của đoàn và là một nhà báo, tôi đã ghi lại cuộc đối thoại đó trong bài viết” “Hai giờ đối thoại ở New York.” Tôi viết đúng những gì diễn ra. Sau khi bài báo được đăng tải, nhiều người đọc xong đã nói: “Sao lại có một cuộc đối thoại hay như thế của một người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với các học giả Hoa Kỳ.”

Cuộc đối thoại đã giúp hiểu sâu sắc hơn thế giới ngày hôm nay như thế nào, quan hệ Việt Nam-Mỹ nên giải quyết theo hướng nào và cả những vấn đề rất phức tạp ở biển Đông… Cuộc đối thoại đã thể hiện khả năng ứng phó nhanh nhạy, linh hoạt, uyển chuyển, thoải mái của anh, qua đó có thể thấy được tầm nhìn, tư duy chính trị của Phạm Quang Nghị.

Trong chuyến công du đó, tôi được cùng anh Nghị vào gặp Thượng nghị sỹ nổi tiếng John McCain tại phòng làm việc của ông trong tòa nhà Quốc hội Mỹ trên Đồi Capitol. Năm 2015, đúng một năm sau cuộc gặp ở Wahsington, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thượng nghị sỹ John McCain đã tới trụ sở Thành ủy Hà Nội thăm anh Nghị với sự trân trọng dành cho một chính khách cộng sản Việt Nam. Được dự cuộc gặp này, tôi đã viết bài báo” Một năm, hai cuộc gặp, nửa vòng trái đất” đăng trên báo Hà Nội Mới.

Tôi nghĩ, 10 năm công tác tại thủ đô Hà Nội đã nâng nhà lãnh đạo Phạm Quang Nghị lên tầm vóc mới. Phạm Quang Nghị là một nhà hoạt động tư tưởng, một nhà chính trị và là một nhà báo. Anh tiếp xúc với giới báo chí như một người bạn và bản thân tôi cũng được anh cho ý kiến rất nhiều trong công việc báo chí.

Qua cuốn sách này, chúng ta thấy ở Phạm Quang Nghị không chỉ bút lực của một nhà văn, nhà báo mà còn thấy phẩm cách của một nhà văn hóa, vì tư tưởng chính trị của anh bao giờ cũng gắn với văn hóa, gắn với con người. Phẩm cách văn hóa của anh Phạm Quang Nghị thật sự có sức thuyết phục.

Vậy nên, việc ra mắt cuốn sách “Đi tìm một vì sao” là một câu chuyện đẹp về văn hóa. Tác phẩm này là món quà mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Phạm Quang Nghị dâng tặng cho bạn đọc, dâng tặng cho cuộc đời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục