Đại biểu Quốc hội: Người chủ trì phải dân chủ, có tinh thần tiếp thu

Đại biểu Quốc hội hy vọng Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội sẽ phát huy tính dân chủ, có tinh thần tiếp thu để động viên các thành viên phát biểu ý kiến, giúp các dự luật hoàn chỉnh hơn khi ban hành.
Đại biểu Quốc hội: Người chủ trì phải dân chủ, có tinh thần tiếp thu ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương hy vọng Quốc hội khóa tới sẽ phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Chiều 4/4, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên lề hành lang kỳ họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã chia sẻ những kỳ vọng vào các nhân sự mới.

- Thưa ông, việc các đại biểu bỏ phiếu bầu một số Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất được dư luận quan tâm. Ông có suy nghĩ gì về sự kiện này?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Việc kiện toàn các chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban của Quốc hội là một việc làm cần thiết nhằm củng cố lại hệ thống tổ chức và tăng cường vai trò lãnh đạo, kết nối những việc mà Quốc hội cũng như Hội đồng dân tộc và các ủy ban đã làm trong thời gian vừa qua.

Điều tôi kỳ vọng nhất đối với các nhân sự kiện toàn lần này là làm sao họ phát huy được những ưu điểm của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban đã đạt được đồng thời có suy nghĩ đổi mới, đột phá để khắc phục hạn chế trong thời gian qua, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong các lĩnh vực như công tác xây dựng luật, thẩm tra các dự án luật, cần có chính kiến, thể hiện vai trò người chủ trì, bảo đảm tính khách quan, không vì lợi ích hay bị chi phối bởi lợi ích nhóm hoặc lợi ích của cơ quan soạn thảo...

Tôi hy vọng rằng trong lãnh đạo, chỉ đạo, các đồng chí sẽ đưa ra những quyết sách mới, giúp Quốc hội giám sát, chỉ đạo thực hiện luật đã ban hành, nâng cao hiệu quả, niềm tin của cử tri vào Quốc hội cũng như các Ủy ban.

- Ông có ấn tượng với ai nhất trong số các Phó Chủ tịch, Ủy ban đã miễn nhiệm?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Trong các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban nghỉ lần này, tôi ấn tượng nhất với bà Trương Thị Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Trong lãnh đạo điều hành Ủy ban cũng như các hội thảo, bà luôn rạch ròi trong nội dung công việc, điều hành công việc trôi chảy. Các thành viên của Ủy ban cũng đánh giá cao vai trò của bà.

- Theo ông, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội cần phải làm gì để phát huy trí tuệ của các thành viên trong Ủy ban?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Việc điều hành của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, các Chủ nhiệm Ủy ban trong việc cho ý kiến góp ý, thẩm tra các dự án luật rất quan trọng. Bởi lẽ, khi các Chủ nhiệm điều hành tốt, phát huy tính dân chủ thì các ý kiển của các thành viên trong Ủy ban sẽ phản ánh rất trung thực, thẳng thắn và nêu được yếu tố cần sửa đổi, bổ sung trong các điều luật.

Nếu như người chủ trì phát huy tính dân chủ, có tinh thần tiếp thu sẽ động viên được các thành viên phát biểu ý kiến mình trong các dự án luật khác. Còn khi các thành viên đưa ra ý kiến mà không được tiếp thu cũng như không được giải trình rõ ràng thì sẽ dẫn đến tình trạng ít đóng góp ý kiến và sẽ dẫn đến hiện tượng các dự án luật có thể có lỗi khi ban hành.

- Ông có kỳ vọng gì về Quốc hội khóa mới?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Khóa mới bao giờ cũng tiến bộ hơn khóa cũ, người lãnh đạo mới sẽ được kỳ vọng cao hơn bởi họ đã có nền tảng, kinh nghiệm, phát huy những cái gì của thế hệ trước để lại. Do đó, tôi hy vọng thế hệ sau sẽ đưa thành quả tốt hơn thế hệ trước.

Tuy nhiên, trong số được bổ nhiệm sẽ có người phát huy tốt nhưng cũng có những người hiệu quả không cao hơn bởi điều này còn phụ thuộc vào khả năng cũng như sự cố gắng của họ. Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất là phải biết phát huy vai trò của tập thể để làm tốt nhiệm vụ của mình.

- Xin cảm ơn đại biểu!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục