Đằng sau thỏa thuận bí mật giữa Apple và Trung Quốc

Trong tình hình địa chính trị quốc tế và bầu không khí dư luận ở Mỹ, Trung Quốc hiện nay, Apple phải tiếp tục chơi trò mạo hiểm "đu dây" giữa mối quan hệ căng thẳng của hai cường quốc.
Đằng sau thỏa thuận bí mật giữa Apple và Trung Quốc ảnh 1Biểu tượng Apple tại một cửa hàng của hãng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, trang The Information có trụ sở ở bang San Francisco của Mỹ đã tiết lộ thông tin độc quyền về việc Giám đốc điều hành của Apple là Tim Cook đã cùng Chính phủ Trung Quốc ký một thỏa thuận đầu tư bí mật có giá trị 275 tỷ USD vào tháng 5/2016 để giảm bớt mối đe dọa có thể đối với các sản phẩm và dịch vụ của Apple ở thị trường Trung Quốc.

Bản ghi nhớ được tiết lộ sau hơn 5 năm này có nội dung đáng chú ý gì?

Apple cam kết “giúp đỡ các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển công nghệ sản xuất tiên tiến nhất” và “hỗ trợ bồi dưỡng nhân tài Trung Quốc chất lượng cao.”

Apple “cam kết sử dụng nhiều hơn linh kiện của các nhà cung ứng Trung Quốc trong sản phẩm của Apple, ký thỏa thuận với các công ty phần mềm Trung Quốc, hợp tác công nghệ với các trường đại học Trung Quốc, đồng thời trực tiếp đầu tư vào các công ty khoa học công nghệ Trung Quốc.”

[Báo chí Mỹ: Apple từng ký thỏa thuận trị giá 275 tỷ USD với Trung Quốc]

Apple cam kết mức đầu tư vào thị trường Trung Quốc sẽ cao hơn “nhiều tỷ USD” so với thời điểm đó.

Việc các công ty nước ngoài ký bản ghi nhớ với Chính phủ Trung Quốc không phải là điều hiếm thấy. Tuy nhiên, bản ghi nhớ này được giữ bí mật cho đến nay.

Hơn nữa có quy mô lớn, các tài liệu nội bộ của Apple ước tính “chi phí trong 5 năm sẽ vượt qua con số 275 tỷ USD”, nếu hai bên đều không phản đối thì thỏa thuận này tự động gia hạn đến năm thứ sáu, nghĩa là đến tháng 5/2022.

“Chuyến đi chữa cháy” đến Trung Quốc của ông Tim Cook

Hiện nay, nội dung thỏa thuận xem ra rất bình thường, nhưng vào thời điểm đó Apple quả thực đang đối diện với cuộc khủng hoảng trên ba phương diện ở thị trường Trung Quốc:

Thứ nhất, dịch vụ đọc sách iBooks Store và xem phim iTunes Movies của Apple vừa ra đời chỉ được nửa năm đã bị cơ quan giám sát Trung Quốc ra lệnh đóng cửa vào tháng 4/2016 do vi phạm những quy định quản lý dịch vụ xuất bản trực tuyến mà Trung Quốc mới ban hành, dịch vụ lưu trữ dữ liệu iCloud và cửa hàng ứng dụng App Store của Apple cũng trong tình trạng không có giấy phép và đối tác hợp tác địa phương, hoạt động trong vùng xám pháp lý.

Thứ hai, số lượng điện thoại thông minh iPhone tiêu thụ ở Trung Quốc năm 2014 lần đầu tiên vượt số lượng tiêu thụ ở Mỹ. Dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của Apple đang ứng nghiệm. Nhưng đến năm 2016, các đối thủ cạnh tranh có tốc độ tăng trưởng nhanh như Huawei, Xiaomi… đã tạo nên thách thức ngày càng mạnh đối với Apple, cộng thêm cuộc khủng hoảng giám sát và dư luận tiêu cực kèm theo, doanh số của iPhone lao dốc.

Thứ ba, vào thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc cũng không hài lòng về “sự đóng góp không đầy đủ” của Apple đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù trang The Information không nói rõ, nhưng điều khiến nhiều người ấn tượng là các học giả Mỹ từng công bố một bản báo cáo khảo sát vào năm 2010 nhấn mạnh, Apple thu 58,5% lợi nhuận từ mỗi chiếc iPhone bán ra, trong khi là nơi lắp ráp iPhone chủ yếu, các doanh nghiệp có liên quan của Trung Quốc chỉ thu được 1,8% lợi nhuận. Trước đây Foxconn - nhà lắp ráp iPhone từng bị gọi là “công xưởng máu và mồ hôi.”

Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc chính thức đưa ra chính sách sản xuất mới có tên gọi “Made in China 2025.” Đây cũng là cương lĩnh 10 năm đầu tiên để Trung Quốc thực hiện chiến lược “cường quốc sản xuất,” mục tiêu chính là muốn loại bỏ những “công xưởng máu và nước mắt.”

Theo kế hoạch này, năm 2025 Trung Quốc sẽ chuyển từ “nước lớn sản xuất” thành “cường quốc sản xuất” đến năm 2035, ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ vượt Đức và Nhật Bản.

Hiểu được bối cảnh này thì sẽ có thể biết rõ Chính phủ Trung Quốc yêu cầu gì đối với Apple vào thời điểm đó và thỏa thuận hai bên.

Đằng sau thỏa thuận bí mật giữa Apple và Trung Quốc ảnh 2(Nguồn: AP)

Năm 2016, ông Tim Cook đã thực hiện ba “chuyến đi chữa cháy” đến Trung Quốc. Trong đó, chuyến đi thứ nhất chính là tháng Năm, cùng Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ký bản ghi nhớ nói trên, cam kết Apple sẽ nỗ lực giúp đỡ phát triển sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc.

Báo cáo của The Information nhấn mạnh, Apple thông qua các chương trình như xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở nhiều thành phố của Trung Quốc, thiết lập quan hệ đối tác hợp tác với các công ty Trung Quốc và đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để thực hiện phần lớn cam kết đưa ra trong thỏa thuận.

Tháng 5/2016, Apple tuyên bố đầu tư 1 tỷ USD vào công ty khởi nghiệp Didi Chuxing, giúp Didi Chuxing giành được lợi thế trong cạnh tranh với Uber Trung Quốc, sau cùng đã thành công trong việc thôn tính và đánh bật Uber đến từ Mỹ.

Tuy nhiên, ngoài thỏa thuận, trên thực tế Apple còn thực hiện các động thái khác để khơi thông mắt xích then chốt pháp lý ở Trung Quốc, bao gồm chuyển toàn bộ dữ liệu khách hàng Trung Quốc cho trung tâm dữ liệu đám mây do chính quyền Quý Châu điều hành.

Ngoài ra, với lý do tuân thủ pháp luật Trung Quốc, App Store chịu sự kiểm tra nhiều hơn trên các lĩnh vực tin tức, mạng riêng ảo (VPN) và ứng dụng liên quan LGBTQ…, đồng thời từ chối cung cấp tính năng bảo mật mới cho khách hàng Trung Quốc.

Cuối tháng 10/2021, trong một email gửi đến khách hàng Trung Quốc, Apple nhấn mạnh sẽ tuân thủ “Luật an toàn dữ liệu Trung Quốc” mới, bộ luật này yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ nhiều hơn dữ liệu có liên quan đến khách hàng Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các quan chức thực thi pháp luật địa phương có thể truy cập những dữ liệu này.

Chơi trò mạo hiểm giữa hai cường quốc

Để bảo vệ quyền riêng tư cho khách hàng Mỹ, ông Tim Cook đã từ chối mở khóa iPhone của một nghi phạm nổ súng theo lệnh của tòa mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận được. Điều này khiến ông Tim Cook trở thành nhân vật trang bìa của Tạp chí Time phát hành ngày 28/3/2016.

Đến Trung Quốc, ông Tim Cook lại kinh doanh. Từng có tổ chức nhân quyền chỉ trích ông Tim Cook trở thành một mắt xích trong bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc, nhưng phản hồi của ông Tim Cook là mặc dù không đồng ý với pháp luật của Trung Quốc, nhưng nếu Trung Quốc có Apple thì thế giới sẽ trở nên tốt hơn. Trong một hội nghị ở Trung Quốc năm 2017, ông Tim Cook nói rằng: “Lựa chọn của bạn là: Bạn có muốn tham gia hay không? Hay bạn muốn đứng sang một bên, kêu gọi vấn đề nên như thế nào mới chính xác? Quan điểm của tôi rất rõ ràng: Bạn nên hiện thân, nên tham gia. Bạn nên bước vào đấu trường, bởi vì đứng bên lề thì không thể thay đổi được việc gì.”

Tuy nhiên, Apple quả thực hưởng lợi rất nhiều từ thương vụ này, bao gồm hãng phải tiếp tục phát hành iPhone ở Trung Quốc với một số ứng dụng được cài đặt sẵn không thể xóa, tránh chia sẻ mã nguồn hệ điều hành di động của nó với chính quyền địa phương, duy trì sự kiểm soát mô đun bảo mật phần cứng cần thiết để mở khóa nội dung iCloud ở Trung Quốc và lưu trữ khóa mã hóa của khách hàng.

Vấn đề then chốt nhất là, ngay cả khi quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên tồi tệ kể từ năm 2016, mặc dù có một số cư dân mạng Trung Quốc lên tiếng kêu gọi, nhưng Apple vẫn không vấp phải bất cứ biện pháp đáp trả nghiêm khắc nào tại Trung Quốc.

Những biện pháp trừng phạt trong những năm gần đây của Chính phủ Mỹ trên thực tế là bóp chết mảng kinh doanh điện thoại di động thông minh của ông lớn viễn thông Trung Quốc Huawei. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn không đáp trả đối với Apple.

Theo số liệu mới nhất của công ty khảo sát thị trường Counterpoint Research, tháng 10 năm nay, doanh số bán điện thoại di động iPhone ở thị trường Trung Quốc tăng 46% so với tháng trước đó, lần đầu tiên trở thành điện thoại di động thông minh bán chạy nhất ở Trung Quốc kể từ tháng 12/2015. Hiện nay, thị trường Trung Quốc chiếm gần 19% tổng doanh số của iPhone, cao hơn mức 15% của một năm trước đó.

The Information cho rằng thành tựu nổi bật của Apple tại thị trường Trung Quốc hiện nay phần lớn là nhờ thành công của CEO Tim Cook trong việc điều phối các mối quan hệ phức tạp với chính phủ. The Information không phải là kênh truyền thông đầu tiên tiết lộ mối quan hệ giữa Apple với Chính phủ Trung Quốc.

Tháng 5/2021, tờ The New York Time đã báo cáo chi tiết “thỏa hiệp của Apple ở Trung Quốc,” cho thấy trong tình hình địa chính trị quốc tế và bầu không khí dư luận ở Mỹ, Trung Quốc hiện nay, Apple phải tiếp tục chơi trò mạo hiểm "đu dây" giữa mối quan hệ căng thẳng của hai cường quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục