Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi ''đặt cược'' 99% vào diễn viên

Đạo diễn "Tro tàn rực rỡ" cho biết thành bại của phim do phần diễn xuất quyết định bởi ông chủ động giảm tông ở nhiều yếu tố, có thể khiến phim khó xem hơn, song để khán giả tập trung vào diễn viên.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi ''đặt cược'' 99% vào diễn viên ảnh 1Diễn viên Phương Anh Đào (vai Nhàn) trong một phân đoạn đáng chú ý. (Ảnh: ĐPCC)

“Tro tàn rực rỡ” đã khép lại hành trình 7 năm thực hiện kể từ khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lên ý tưởng về phim chuyển thể truyện Nguyễn Ngọc Tư, đi qua những ngày tháng xoay xở kinh phí, quay phim trong thời gian eo hẹp giữa các đợt dịch…

Dẫu đạt giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa (Pháp), được chọn vào danh sách 15 tác phẩm tranh giải trực tiếp tại Liên hoan phim Tokyo năm 2022... song đạo diễn cho biết ông đầu tư toàn bộ tâm trí cho chất lượng phim chứ không phải làm để đi dự giải, thậm chí cảm thấy sợ nếu suy nghĩ quá nhiều về thành tích, cúp vàng, tượng vàng.

“Tôi cảnh giác với giải thưởng”

“Tro tàn rực rỡ” đã chính thức ra mắt công chúng toàn quốc tại Việt Nam từ ngày 2/12/2022. Chỉ 4 ngày trước hôm công chiếu, đoàn phim loan báo tin vui đã nhận giải thưởng cao nhất Liên hoan phim Ba lục địa - giải Khinh khí cầu vàng. Trong tháng 10 năm nay, phim cũng vượt hơn 1.000 tác phẩm khác để trở thành 1 trong 15 phim tranh giải chính thức đồng thời được công chiếu tại Liên hoan phim Tokyo lần thứ 35.

Từng đoạt hàng loạt giải thưởng trong và ngoài nước nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết ông sợ việc phải nghĩ đến chúng quá nhiều khi đang làm phim.

“Tôi cảnh giác với các giải thưởng, vì nếu không cẩn thận, mình sẽ luôn nghĩ đến nó. Để chọn 1 phim thắng từ 15 phim thì nguy cơ trượt rất cao, nên nếu cứ đau đáu về nó thì đau khổ lắm, không thể làm phim được,” đạo diễn chia sẻ.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi ''đặt cược'' 99% vào diễn viên ảnh 2Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trong nỗ lực ấy, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dành 7 năm liền chuẩn bị cho bộ phim, trong đó có riêng 2 năm để chuyển thể kịch bản từ hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ”“Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Quyết định chuyển thể truyện Nguyễn Ngọc Tư, với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, là một cái duyên. Ông rung động với câu chuyện về cảm thức con người, về mối quan hệ giữa đàn ông với đàn bà, về sự bản năng, hồn nhiên của người phụ nữ miền Tây, thấy được ở truyện của nữ nhà văn luôn rất giàu hình ảnh.

Đạo diễn cho biết khi làm phim “Tro tàn rực rỡ,” ông chỉ cần thêm thắt một số chi tiết để câu chuyện trong truyện ngắn trở nên hoàn chỉnh hơn. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận định để có một câu chuyện điện ảnh thực sự thay vì một dạng mô phỏng văn học, những thêm thắt đó phải được đầu tư kỹ lưỡng qua nhiều yếu tố, phương tiện điện ảnh, bởi một nguyên tác hay mới chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ cho một bộ phim hay.

[Phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Ngọc Tư được chào đón tại LHP Tokyo]

5 năm còn lại, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhiều lần bay tới Cà Mau để "trải" cuộc sống của các nhân vật. Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có khi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bất ngờ xuất hiện tại một xó quê nào đó rồi lặng lẽ rời đi, có khi lại biến mất trong rừng ngập mặn.

Cũng có khi ông thức đêm nhiều buổi đến 3 giờ sáng để ra bến tàu rồi bám biển theo một tàu cá mà ông gọi trải nghiệm ấy là “những ngày lênh đênh trên biển nhưng vui.” Tất cả đã cho ông hình dung rõ nét về từng nhân vật, yêu cầu đối với bối cảnh và câu chuyện.

Với diễn viên, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên yêu cầu họ cũng phải yêu tác phẩm mà mình đang thực hiện.

“Tôi có một tiêu chuẩn để đánh giá một bộ phim hay hay dở ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện, đó là nó có mang lại được cảm hứng cho những người cộng tác với mình hay không. Nếu diễn viên không cảm thấy yêu câu chuyện thì tôi sẽ từ chối tiếp tục làm việc ngay,” đạo diễn cho hay.

Đánh cược 99% vào dàn diễn viên

7 năm chuẩn bị kỹ càng là vậy, thậm chí còn mời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tham gia sửa thoại cho ra chất vùng miền, thế nhưng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn nói ông đánh cược gần như hoàn toàn vào dàn diễn viên.

“Tôi chủ động làm giảm tính hấp dẫn của bộ phim, giảm sự cuốn hút, giảm lời thoại. Mọi thứ đều có thể lâu, chậm hơn, màu sắc nhạt hơn nữa. Tất cả đều được tiết chế để tạo ra sự chân thực bởi tôi đặt cược 99% vào diễn viên,” đạo diễn chia sẻ.

"Tro tàn rực rỡ" là câu chuyện về tình yêu mãnh liệt, đầy bản năng và chân thành của những người phụ nữ miền Tây sông nước dành cho người đàn ông của mình. Trong những biến cố, khó khăn, tình yêu của họ không được đáp lại nhưng cũng không hề bị làm cho xoay chuyển. Họ làm tất cả chỉ để được chồng, người mình yêu để tâm, hay theo một lời thoại trong phim/truyện - được "nhìn thấy."

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi ''đặt cược'' 99% vào diễn viên ảnh 3Với ''Tro tàn rực rỡ,'' diễn xuất là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành bại bộ phim. Trong phim là nữ diễn viên Bảo Ngọc Dolling. (Ảnh: ĐPCC) 

Để thể hiện những khát khao ấy, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chủ ý tạo ra sức nặng cho phim qua phần diễn xuất. Ở mỗi tuyến diễn viên chính-phụ, ông lại có kiểu "đánh cược" khác nhau.

Trong số đó, Bảo Ngọc Doling (vai chính – Hậu) có lẽ là “kèo” đặt cược lớn nhất. Cô là một diễn viên không chuyên, trẻ tuổi (sinh năm 2002) lại chưa có kinh nghiệm sống ở vùng sông nước.

Đặc biệt, Bảo Ngọc đã đến với bộ phim không phải bằng phương pháp tuyển vai truyền thống (nộp hồ sơ rồi được chọn lọc qua các vòng) mà được người trợ lý thân cận của đạo diễn giới thiệu.

“Tôi thường tâm đắc với các diễn viên được giới thiệu vì tôi tin vào những người thực sự hiểu mình hoặc có duyên với mình. Khi trợ lý của tôi giới thiệu Bảo Ngọc và cho tôi xem một phim ngắn có cô bé đóng, tôi rất thích. Nhưng lúc đó cô bé mới 13 tuổi, vai diễn lại yêu cầu tâm lý phức tạp và có những cảnh nhạy cảm, phim cũng chưa biết khi nào quay được, tôi càng hoang mang không biết có chờ cô bé được không,” đạo diễn bộc bạch.

Tuy nhiên, với niềm tin của mình, đạo diễn vẫn quyết chờ tới khi Bảo Ngọc Doling đủ trưởng thành. Nhiệm vụ của cô là phải thể hiện được nét hồn nhiên, bản năng của người phụ nữ-một người vợ-người mẹ trẻ vùng sông nước một cách tự nhiên nhất. Hơn thế, sự xông xáo, chịu khó học hỏi của Bảo Ngọc trên phim trường lại càng khiến đạo diễn vô cùng yên tâm khi giao vai chính cho cô.

['Tro tàn rực rỡ' giành giải nhất LHP quốc tế trước ngày ra mắt tại VN]

Không như nhân vật Hậu, Nhàn lại là một thử thách khác. Tuy đáp ứng nhiều tiêu chí tuyển vai nhưng diễn viên Phương Anh Đào lại có vẻ đẹp trái với hình dung ban đầu của đạo diễn về Nhàn - một nhân vật nhẹ nhàng và cam chịu.

“Ban đầu tôi muốn Nhàn phải có các đường nét nhẹ như gió thoảng, khiến khán giả cảm thấy như một làn gió mát, nhưng cũng phải mang theo những trạng thái tâm lý vô cùng nặng nề. Về sau, chính diễn xuất của Phương Anh Đào đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ,” đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.

Có lẽ, tình yêu của diễn viên cho nhân vật mà đạo diễn từng nói tới đã được thể hiện rõ nhất ở hai nhân vật này.

Song song đó, việc tiết giảm thoại cũng khiến tuyến nhân vật phụ phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của đạo diễn, đó là "diễn nhiều, thoại ít". Trong suốt gần 120 phút bộ phim, hai nam diễn viên đóng cặp với Bảo Ngọc Doling và Phương Anh Đào chỉ có số thoại đếm trên đầu ngón tay.

Gần như không có lời thoại, Quang Tuấn (vai Tam, chồng của Nhàn) phải diễn cho ra sự sụp đổ trong tâm trí và buông xuôi sau biến cố bằng sự rệu rạo, thẫn thờ như người mất hồn, còn Công Hoàng (vai Dương, chồng của Hậu) phải thể hiện song song hai trạng thái, luôn tìm cách trốn tránh một người và luôn len lén theo dõi, ngầm quan tâm tới một người khác.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi ''đặt cược'' 99% vào diễn viên ảnh 4Từ trái: Các diễn viên Công Hoàng, Phương Anh Đào, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên trong sự kiện ra mắt phim ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Là một nhà làm phim kỳ cựu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên biết rõ ông muốn gì cho bộ phim của mình. “Tro tàn rực rỡ” được bảo chứng về mặt nghệ thuật, mang đậm tính điện ảnh tác giả, nhưng theo đạo diễn, không phải một bộ phim “khó nuốt,” cao vời hay tiêu cực… mà dành cho đông đảo người Việt để cùng xem, cùng thấu hiểu.

“Theo tôi, một phim cần phải đánh thức sự đồng cảm, đi vào đời sống của mọi người mới là bộ phim trọn vẹn, khi đó, người xem sẽ đón nhận những tác phẩm như thế này. Tôi mong phim tìm được những khán giả của mình, để khi xem, họ có thể cảm thấy bộ phim như cảm thấy chính như tâm hồn mình,” ông chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục