Dịch COVID-19 đến 8h ngày 14/6: Ổ dịch ở Bắc Kinh diễn biến đáng ngại

Tính đến 8 giờ sáng ngày 14/6, tình hình dịch bệnh ở Nam Mỹ chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi Trung Quốc ghi nhận thêm tới 36 ca mới liên quan ổ dịch tại khu chợ Tân Phát Địa.
Dịch COVID-19 đến 8h ngày 14/6: Ổ dịch ở Bắc Kinh diễn biến đáng ngại ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 12/5/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tính đến 8 giờ sáng ngày 14/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 431.728 ca tử vong trong 7.855.431 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tình hình dịch bệnh ở Nam Mỹ chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ tháng Tư.

Theo trang thống kê worldometers.info, số ca nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lần lượt khoảng 136.000 và 4.250 ca trong 24 giờ qua.

Trung Quốc: Hàng chục ca mới liên quan tới ổ dịch ở Bắc Kinh

Tại châu Á, tình hình đại dịch COVID-19 tại thủ đô Bắc Kinh đang diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn, khi chỉ trong một ngày, thành phố này đã xác định thêm 36 ca nhiễm mới. Đây là con số đáng lo ngại sau một thời gian dài Bắc Kinh không có ca lây nhiệm nội địa nào mới.

Theo số liệu mới nhất do chính quyền thủ đô Bắc Kinh cung cấp, trong ngày 13/6, thành phố này có thêm 36 người được xác định bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có một ca bệnh không triệu chứng.

[Đóng cửa chợ lớn nhất ở Bắc Kinh sau khi phát hiện ca nhiễm mới]

Toàn bộ những trường hợp này đều là những người đang làm ăn và sinh sống tại Bắc Kinh, và đều lây nhiễm bệnh do liên quan đến ổ dịch mới tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa. Trong khi đó, số ca nghi nhiễm không tăng.

Như vậy, tính đến 24 giờ đêm 13/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát là 463 người, trong đó 411 người đã được điều trị khỏi và xuất viện, và 9 ca tử vong.

Trên toàn Trung Quốc, trong ngày 13/6 phát hiện tổng cộng 57 ca nhiễm mới, trong đó số ca lây nhiễm nội địa là 38, gồm 36 ca tại Bắc Kinh và 2 ca tại Liêu Ninh. 19 ca còn lại là các trường hợp nhập cảnh, bao gồm 37 ca tại Quảng Đông, 1 ca tại Thượng Hải và 1 ca tại Trùng Khánh.

Tính đến hết ngày 13/6, Trung Quốc có tổng cộng 84.767 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.645 trường hợp tử vong và 79.903 người đã được điều trị khỏi bệnh. Đợt lây nhiễm mới tại Bắc Kinh đang làm gia tăng quan ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà chức trách Bắc Kinh đã nhanh chóng thực hiện một loạt biện pháp kiểm dịch quyết liệt, như phong tỏa một số khu dân cư, chợ bán buôn, tăng cường xét nghiệm và cách ly các ca nghi nhiễm.

Tất cả những biện pháp này được thực hiện nhằm dập tắt dịch bệnh và trấn an tinh thần người dân.

Số người nhiễm mới và tử vong ở Mỹ vẫn tăng mạnh

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 2.142.205 ca nhiễm và 117.526 ca tử vong, tăng lần lượt 25.283 và 701 ca trong 24 giờ.

Hai trong số các bang đông dân nhất ở Mỹ là Texas và Florida tuần này ghi nhận mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao kỷ lục, dấu hiệu đáng lo ngại khi tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau.

Xu hướng này giải thích tại sao Mỹ tiếp tục ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, dù tình hình dịch đã giảm nhiệt tại một số điểm nóng ban đầu như New York.

Giới chức giải thích nguyên nhân là các bang nói trên tăng xét nghiệm và số ca nhiễm nCoV trên đầu người vẫn thấp, nhưng một số chuyên gia y tế nhận định đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn hoành hành mạnh.

WHO xác định Mỹ Latinh là tâm dịch mới toàn cầu

Brazil có thêm thêm 20.894 ca nhiễm và 890 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 850.796 và 42.791.

Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực sự ở Brazil có thể cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm hạn chế.

Peru chưa công bố số liệu mới, số ca nhiễm và tử vong do nCoV vẫn lần lượt là 220.749 và 6.308.

Trường học, nhà hàng, quán bar đóng cửa. Chỉ các cửa hàng bán hàng thiết yếu được phép đón khách, ngoài ra tiệm quần áo, tiệm bán đồ gia dụng hay văn phòng phẩm có thể cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi.

Bộ Y tế Mexico đã xác nhận 3.494 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 142.690 người, trong đó có 16.872 ca tử vong (tăng 424 ca trong vòng 24 giờ qua).

Dịch COVID-19 đến 8h ngày 14/6: Ổ dịch ở Bắc Kinh diễn biến đáng ngại ảnh 2Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Mexico City, Mexico, ngày 23/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang ở trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do COVID-19 ở nước này có thể lên đến 35.000 người.

Mexico không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng mà chỉ xét nghiệm đối với những người có triệu chứng bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mexico đã tiến hành tổng cộng 401.755 lượt xét nghiệm, trong đó có tới 35,5% cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Mặc dù chưa kiểm soát được dịch bệnh, song Chính phủ Mexico từ ngày 1/6 đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo mức thang cảnh báo COVID-19 trên cả nước, 16/32 bang của Mexico sẽ chuyển từ trọng thái "Đỏ" sang trạng thái "Cam" từ ngày 15/6, qua đó cho phép nhiều lĩnh vực kinh tế không thiết yếu hoạt động trở lại.

Tại khu vực Trung Mỹ, Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã ghi nhận thêm 1.904 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khu vực lên 42.438 người, trong đó có 1.170 ca tử vong.

Trong ngày 13/6, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã quyết định thay thế Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich, trong bối cảnh nổ ra cuộc tranh cãi ở quốc gia Nam Mỹ này về những số liệu người tử vong do dịch COVID-19 bùng phát.

Tổng thống Pinera đã bổ nhiệm Tiến sỹ Oscar Enrique Paris vào vị trí Bộ trưởng Y tế Chile.

Hầu hết các nước châu Âu nhận định đã qua đỉnh dịch

Nga thông báo có thêm 114 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 6.829. Số ca nhiễm tăng thêm 8.706, lên 520.129.

Anh có thêm 1.425 ca nhiễm và 181 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 294.357 và 41.662.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 396 ca nhiễm, nâng tổng số lên 290.685, số ca tử vong vẫn là 27.136, không tăng ca mới.

Italy ghi nhận thêm 346 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 236.651 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 34.301 trường hợp (tăng 55 ca).

Bên cạnh đó, 1.780 ca cũng đã hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 174.865 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 220 ca (giảm 7 ca).

Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 3.747 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 27.485 người.

Đức báo cáo thêm 172 ca nhiễm và 4 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 187.423 và 8.867.

Trung Đông thêm hàng nghìn ca mắc

Iran ghi nhận thêm 2.410 ca nhiễm, nâng tổng số lên 184.995, trong đó 8.730 người chết, tăng 71 trường hợp so với hôm qua. Arab Saudi ghi nhận thêm 3.366 ca nhiễm và 39 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 123.308 và 932.

Bộ Y tế Ai Cập thông báo đã ghi nhận thêm 1.677 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 42.980 người.

Đây là mức gia tăng số ca bệnh mới cao nhất trong 1 ngày kể từ khi Ai Cập phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hôm 14/2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục