Điện ảnh 2020: Ảm đạm do COVID-19 và điểm sáng từ phim Việt

Trải qua 2 đợt bùng phát dịch COVID-19, thị trường điện ảnh Việt Nam chưa thể hồi phục song bước đầu có những dấu hiệu đáng để kỳ vọng.
'Tiệc trăng máu,' 'Gái già lắm chiêu 3' và 'Ròm' là những bộ phim đáng chú ý năm 2020. (Ảnh: Nhà phát hành)
'Tiệc trăng máu,' 'Gái già lắm chiêu 3' và 'Ròm' là những bộ phim đáng chú ý năm 2020. (Ảnh: Nhà phát hành)

Do dịch COVID-19, nhiều hoạt động điện ảnh bị gián đoạn hoặc ảnh hưởng. Loạt liên hoan phim quốc tế được tổ chức chiếu phim online, các ngôi sao màn bạc phải đeo khẩu trang trong Liên hoan phim Venice lần 77, phim Hollywood lùi lịch công chiếu hoặc ra mắt online song song với chiếu ở rạp…

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ tháng 1/2020, các dịch vụ ở nhiều ngành, mảng đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Các rạp chiếu phim cũng không ngoại lệ phải ngoại lệ, đến cuối năm 2020 vẫn chưa thể phục hồi trạng thái bình thường trước dịch.

Doanh thu giảm mạnh

Theo tờ The Guardian, Cineworld (hệ thống rạp lớn thứ hai thế giới) gặp khó khăn khi phải đóng cửa tất cả các rạp chiếu ở Anh, gồm 127 rạp Cineworld và các rạp trực thuộc như Picturehouse, 536 rạp Regal tại Mỹ, khiến khoảng 45.000 công nhân tạm thời thất nghiệp.

Tại Việt Nam tính đến thời điểm cuối năm 2020, “rạp mở cửa trở lại nhưng chưa thể phục hồi” là nhận định chung từ đại diện các cụm rạp CGV, Galaxy Cinema, Lotte Cinema và BHD khi nói về thị trường ngành chiếu phim.

Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc vận hành của Công ty Trách nhiệm hữu hạn BHD Star cho biết doanh thu toàn ngành năm nay giảm 70-80% so với năm ngoái.

Điện ảnh 2020: Ảm đạm do COVID-19 và điểm sáng từ phim Việt ảnh 1Điện ảnh Việt Nam cũng như thế giới đã có một năm điêu đứng. (Ảnh: CGV)

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Giám đốc điều hành khối rạp của Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) cho biết: “Tháng 11/2020 lượng vé và doanh thu của chúng tôi giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi các rạp mở cửa trở lại vào tháng 5, do không có nguồn phim mới để chiếu nên tỷ lấp đầy rạp chỉ trên dưới 10%, giảm 70-80% so với trước đây. Chúng tôi buộc phải cắt giảm tối đa nhân sự chỉ bằng khoảng 1/2 tới 2/3 thời gian hoạt động trước dịch để đảm bảo tối ưu hóa chi phí,” bà Hoa chia sẻ.

Vào đợt dịch thứ 2, rạp hoạt động trở lại dưới sự giãn cách xã hội cũng không dễ dàng. “Do tâm lý e ngại, lượng khách đến rạp giảm mạnh so với trước dịch. Bên cạnh tiền lương cho nhân viên, tiền mặt bằng [dù đã có 1 phần hỗ trợ-PV], các hạng mục về an toàn trong mùa dịch như nước diệt khuẩn, tăng cường nhân viên vệ sinh… cũng làm gia tăng chi phí hoạt động,” ông Đoàn Thạch Cương, Giám đốc kinh doanh Lotte Cinema chia sẻ.

Một lý do nữa nằm ở việc ra các phim bom tấn cũng lần lượt hoãn lịch chiếu, ít sự lựa chọn cho khách hàng nên doanh thu cũng tiếp tục suy giảm. Số lượng phim giảm nên những bộ phim có thể cứu cánh cho doanh số rạp cũng không nhiều, đại diện nhà phát hành Lotte cho biết.

Điểm sáng cho phim Việt

Trong cái rủi lại có cái may, nhà biên kịch Trần Khánh Hoàng (“Em chưa 18”) đánh giá: “Phim Việt Nam thời gian cuối năm nay sôi động hơn so với các năm khác do nhiều phim Hollywood phải dời lịch sang 2021. Nếu chúng ta có thể tranh thủ cơ hội này để giới thiệu với khán giả nhiều phim Việt chất lượng, chắc chắn chúng ta sẽ cải thiện được cái nhìn của khán giả về phim nội địa và thu được quả ngọt,” anh chia sẻ.

Có thể nói sự sôi động đó không chỉ thể hiện ở doanh thu mà còn ở cả những cuộc tranh luận, bàn tán mạnh mẽ về phim. Đây không chỉ là sự khởi sắc trong bối cảnh Việt Nam khống chế được COVID-19 mà có lẽ còn là khởi sắc sau chuỗi phim đầu năm. Theo đơn vị tổng hợp độc lập Box Office Vietnam, phần lớn phim Tết đầu năm 2020 có mặt bằng doanh thu không cao và không để lại nhiều ấn tượng.

Năm 2020, nhiều nhà phân tích đánh giá phim Tết Việt có những cái tên khá đáng quên như “Bí mật đảo linh xà” chỉ thu 116 triệu đồng với kỹ xảo thiếu thuyết phục, “Nhiều tiền để làm gì” - 663 triệu đồng. Hai phim mang về doanh thu khá hơn nhưng chưa để lại dấu ấn tốt gồm “30 chưa phải là Tết” (45 tỷ đồng) khó gây cười, “Đôi mắt âm dương” (61 tỷ đồng) theo thể loại hài kinh dị nhưng kịch bản không đủ ấn tượng.

Nếu nổi bật nhất dịp đầu năm là “Gái già lắm chiêu 3” (165 tỷ đồng) thì sáng giá nhất dịp cuối năm chính là “Tiệc trăng máu.” Phim mang về 175 tỷ đồng nhờ sở hữu kịch bản chuyển thể hấp dẫn, những vấn đề mang tính toàn cầu, diễn xuất cuốn hút và yếu tố truyền miệng mạnh mẽ của người hâm mộ.

Không thể không kể đến “hiện tượng phòng vé” “Ròm” được nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho là ra mắt đúng lúc khi thiên thời, địa lợi nhân hòa của thời hậu COVID-19.

Bên cạnh thành tích thắng giải ở Liên hoan phim Busan, chuyện bị Cục Điện ảnh phạt, việc hoãn chiếu do dịch COVID khiến khán giả càng tò mò về phim. “Ròm” được người nổi tiếng ủng hộ, có hành trình làm phim 8 năm đầy đam mê, có sự góp mặt của rapper Wowy nổi tiếng nhờ gameshow Rap Việt, tất cả đã góp phần làm nên sự thành công về doanh thu đối với một phim độc lập, dù “gây chia rẽ khán giả” vì thái độ khen, chê rõ rệt.

Tách khỏi dòng chảy thương mại, năm 2020 cũng chứng kiến 2 bộ phim tài liệu với nội dung, hình ảnh, âm thanh giàu cảm xúc - “Đoạn trường vinh hoa” được làm theo lối điện ảnh trực tiếp, kể câu chuyện mưu sinh và theo đuổi đam mê của một gánh hát tuồng cổ ở miền Tây và “Màu cỏ úa” về nhạc sỹ Trần Tiến được nhiều thế hệ yêu mến.

Điện ảnh 2020: Ảm đạm do COVID-19 và điểm sáng từ phim Việt ảnh 2Phim chủ đề giang hồ 'Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử' (trái) và phim hài tình cảm 'Người cần quên phải nhớ' được kỳ vọng dịp cuối năm. (Ảnh: Nhà phát hành)

Dù còn nhiều khó khăn, các nhà phát hành vẫn tin tưởng và đón chờ tín hiệu tốt từ 2 phim Việt cuối cùng của năm 2020 - “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”“Người cần quên phải nhớ.” Tổng hợp phản hồi và số liệu ngày 26/12, doanh thu trong ngày 25/12 của “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” nhận được lượng khán giả ra rạp đông đảo, đạt trên 405 triệu đồng (ngày chiếu thứ 3, phim có suất chiếu sớm từ 23/12).

Con số này giúp phim đứng trên doanh thu cùng ngày của “Wonder Woman 1984” (309,5 triệu đồng ở ngày chiếu thứ 7) và “Soul: Cuộc sống nhiệm màu” (232,5 triệu đồng ở ngày chiếu đầu tiên).

Ngoài ra, phim Tết năm 2021 được kỳ vọng với các tựa phim “nặng ký” như “Bố già” có Trần Thành, “Trạng Tí” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân (dù đang dính lùm xùm liên quan tới bản quyền của bộ truyện “Thần đồng đất Việt” và họa sỹ, tác giả Lê Linh), “Lật mặt: 48 giờ” của Lý Hải  và “Gái già lắm chiêu V” có Kaity Nguyễn trở thành gương mặt mới, đầy triển vọng.

“Với việc du lịch ra nước ngoài sẽ còn bị hạn chế trong 1 thời gian nữa, chúng tôi rất hy vọng khán giả Việt Nam sẽ ra rạp trong Tết này để ủng hộ các nhà làm phim Việt và tạo đà cho thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển hơn trong thời gian tới đây,” bà Mai Hoa chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục