Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng?

Theo trang mạng lowyinstitute.org, cuộc nổi dậy thất bại hôm 6/1/2021 đã thuyết phục nhiều người tin rằng ông Trump sẽ một lần nữa cố gắng trở thành tổng thống và có nhiều cơ hội thành công hơn.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng? ảnh 1Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng lowyinstitute.org, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã chứng kiến sự quay trở lại của các liên kết chính trị thế kỷ 20, với việc Mỹ là nhà lãnh đạo của nhóm các nền dân chủ chống lại Nga hợp tác với Trung Quốc.

Nhưng ông Donald Trump đã đưa ra một phản ứng hoàn toàn khác, bày tỏ sự ngưỡng mộ của ông đối với ông Putin, một mô tả mà ông cũng đã áp dụng cho chính mình.

Ông Trump từ lâu đã cân nhắc về sự hấp dẫn của việc thiết lập chế độ độc tài cá nhân của riêng ông. Đã có lúc những đề xuất chấm dứt nền dân chủ của ông bị bác bỏ vì coi thường dân chủ (hãy nhớ rằng “hãy nghiêm túc, nhưng không phải theo nghĩa đen”). Cuộc nổi dậy thất bại hôm 6/1/2021 đã thuyết phục nhiều người tin rằng ông Trump sẽ một lần nữa cố gắng trở thành tổng thống và có nhiều cơ hội thành công hơn.

Vấn đề ít được thảo luận hơn nhưng cũng đáng báo động không kém là khả năng một Đảng Cộng hòa do ông Trump lãnh đạo sẽ giành chiến thắng hợp pháp (nghĩa là theo các quy tắc hiện có về cử tri đoàn) vào năm 2024, và sau đó củng cố quyền lực bằng cách tước quyền của các cử tri Đảng Dân chủ, đàn áp phương tiện truyền thông thù địch, v.v…, như đã xảy ra ở các nước như Hungary và Ba Lan (cả hai đều rất được ngưỡng mộ bởi cánh hữu Mỹ).

Chiến thắng của ông Trump đang được công nhận là một khả năng đáng kể, cả những người lo sợ và những người sẽ hoan nghênh chiến thắng đó.

Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít cuộc thảo luận về việc một sự phát triển như vậy sẽ ảnh hưởng đến Australia như thế nào. Chính sách đối ngoại của Australia hoàn toàn dựa trên ý tưởng về các liên minh chính thức và không chính thức với liên minh các nước dân chủ, đặc biệt ưu tiên cho liên minh Anglo-Saxon (liên minh các quốc gia nói tiếng Anh có chung lịch sử, văn hóa, chính trị, ngoại giao và quân sự chặt chẽ), được thể hiện bằng các thỏa thuận như thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo “Five Eyes."

[Mỹ: Nhà Trắng cho phép tiếp cận tài liệu ghi chép dưới thời ông Trump]

Australia sẽ và nên phản ứng như thế nào trước một cuộc đảo chính chống dân chủ ở Mỹ? Ít nhất thì ban đầu, phản ứng chủ đạo sẽ là giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Một tuyên bố theo chuẩn mực ngoại giao sẽ được áp dụng, rằng đây là vấn đề của người dân Mỹ, và người dân Mỹ phải tự giải quyết. Sự phản đối hoặc ủng hộ công khai, rõ ràng đối với một cuộc đảo chính sẽ chỉ giới hạn trong các nhóm tương đối ngoài lề ở cả cánh hữu và cánh tả của phổ chính trị: Đảng Xanh và lực lượng cánh tả còn sót lại của Công Đảng đối lập, và phe cánh hữu trong LNP liên kết với các nhóm cực hữu.

Tuy nhiên, theo thời gian, các vấn đề của một liên minh với một nước Mỹ hậu dân chủ sẽ trở nên khó bỏ qua hơn. Rõ ràng, liên minh sẽ không còn dựa trên các giá trị dân chủ chung. Điều này có nghĩa là Australia sẽ không thể trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ nếu nước này phải đối mặt với sự gây hấn từ bên trong khu vực.

Nhiều vấn đề trước mắt có thể nảy sinh với các chính sách liên quan đến Trung Quốc. Dưới thời cả chính quyền Trump và Biden, chính phủ Australia đều muốn giữ vai trò hàng đầu trong việc đối đầu với chế độ Tập Cận Bình, chủ yếu là với sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đầu tiên, Canberra đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19, một vấn đề mà Australia quan tâm không hơn bất kỳ quốc gia nào khác (và có thể cho là do tỷ lệ ca tử vong ở Australia thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác). Sau đó là các nhóm Bộ tứ và AUKUS.

Cuối cùng, Chính phủ Australia đã đưa ra những lời chỉ trích thường xuyên về việc Chính phủ Trung Quốc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong và những nơi khác. Nhưng thật khó để thấy rằng một lập trường như vậy sẽ có ý nghĩa trong một thế giới mà tất cả các siêu cường đều là những chế độ độc tài.

Ngay cả dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, việc đưa chính phủ của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) theo chủ nghĩa dân tộc Hindu và có khuynh hướng dân chủ gây tranh cãi ở Ấn Độ tham gia Nhóm Bộ tứ đã làm dấy lên lo ngại. Với ông Trump hoặc một thành viên Đảng Cộng hòa tương tự đang nắm quyền ở Mỹ và Narendra Modi ở Ấn Độ, Nhóm Bộ tứ sẽ là một trục bị chi phối bởi những người có cùng chí hướng ở Washington và New Delhi, khiến Australia và Nhật Bản phải lẽo đẽo theo sau.

Tùy thuộc vào sự phát triển ở Anh và châu Âu, tương lai của AUKUS sẽ không chắc chắn. Trong mọi khả năng, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ rời nhiệm sở vào năm 2024 và những người kế nhiệm ông có thể không cảm thấy có nhiều áp lực hay nghĩa vụ phải bảo tồn khía cạnh này trong di sản của ông Johnson. Thậm chí có thể có một nỗ lực nhằm tái thiết quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả Pháp, quốc gia vốn coi thỏa thuận AUKUS là một sự phản bội.

Hoàn toàn có khả năng Australia sẽ phải đối mặt với các yêu cầu về một thỏa thuận mới với Mỹ, với những điều kiện kém thuận lợi hơn. Do đó, Australia sẽ phải quyết định giữa việc kiên trì với một liên minh ngày càng bất bình đẳng với Mỹ hay cố gắng vạch ra một lộ trình mới.

Trong bối cảnh này, chủ nghĩa hiện thực cốt lõi sẽ gợi ý phải chấp nhận rằng cuộc đấu tranh toàn cầu cho dân chủ đã bị thất bại trong chốc lát, và địa chính trị toàn cầu sẽ bao gồm các liên minh chuyển dịch giữa các nhà độc tài. Điều này cho thấy Australia nên quay trở lại chính sách truyền thống của mình là tìm kiếm sự cân bằng, để có thể duy trì các mối quan hệ kinh tế với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tránh đứng về bên nào trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa họ.

Điều tốt nhất đối với một nền dân chủ nhỏ bé như Australia trong hoàn cảnh đó là tìm kiếm an ninh trong khu vực bằng cách xây dựng các mối quan hệ với các nước láng giềng gần gũi, và quan trọng nhất là Indonesia, quốc gia từng được coi là một mối đe dọa tiềm tàng và có thể phải được xem xét lại sau khi bối cảnh chính trị trong nước thay đổi. Trong chừng mực có thể, Australia nên để các xung đột ở Bắc bán cầu tự giải quyết.

Tất cả đều mới là giả thuyết vào thời điểm này. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện thiện chí sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho dân chủ. Có thể ông Biden hoặc một thành viên Đảng Dân chủ khác sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2024, và Mỹ sẽ tránh đi vào con đường dẫn đến thảm họa. Nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu bỏ qua mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ và Australia cần chuẩn bị cho khả năng điều đó trở thành hiện thực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục