Trong hơn suốt hơn 1 giờ thảo luận tại cuộc hội thảo có chủ đề "Định hướng chính sách mới cho các nhà điều hành trong kỷ nguyên Donald Trump" diễn ra ở câu lạc bộ đại học của New York ngày 7/2, hai diễn giả chính là các nhà kinh tế kỳ cựu Steve Odland và Josseph J. Minarik cùng khoảng 30 nhà điều hành hàng đầu trong cả giới doanh nghiệp lẫn chính trị tại Mỹ đã nhấn mạnh tới tình trạng bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng tại nước Mỹ song song với quá trình phục hồi kinh tế và thị trường chứng khoán khởi sắc.
Do đó, thông điệp xuyên suốt cuộc hội thảo là cần phải có những thay đổi chính sách táo bạo để sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ đến được với mọi tầng lớp nhân dân.
Ông Joseph J. Minarik, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kinh tế Mỹ, nguyên nhà kinh tế trưởng của Văn phòng Quản lý Ngân sách dưới thời chính quyền Clinton, cho biết trong một thời gian dài nhiều người Mỹ đã bị gạt ra bên lề xã hội và không hề được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống vừa qua phần nào thể hiện thông điệp mà người dân muốn gửi tới các chính trị gia và các nhà lãnh đạo giới kinh doanh rằng cần phải có sự điều chỉnh căn bản hệ thống kinh tế để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ.
Theo hai nhà kinh tế trên, để thu hẹp tình trạng bất bình đẳng, các nhà điều hành công ty cần phải chú trọng đến việc tạo ra sự bình đẳng trong cơ hội, cam kết tạo dựng giá trị lâu dài cho nhiều cổ đông khác nhau, chứ không chỉ cho những người sở hữu công ty. Trong khi đó, các nhà điều hành chính trị cần nhổ tận gốc chủ nghĩa tư bản thân quen đổi khôi phục lòng tin của người dân vào chính quyền, cải thiện toàn bộ hệ thống giáo dục từ mẫu giáo tới sau đại học để có thể cung cấp chất lượng tốt hơn song chi phí lại thấp hơn. Ngoài ra, Washington cũng cần phải cải cách các quy định về tài trợ cho tranh cử và các hoạt động vận động hành lang, thúc đẩy sự cạnh tranh trong lĩnh vực y tế để đảm bảo dịch vụ tốt hơn và có chi phí thỏa đáng hơn.
Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ đang ngày một phình to và đẩy nợ liên bang lên tới mức cao kỷ lục, cả các diễn giả lẫn khách mời đều cho rằng nợ công đang là thách thức lớn nhất đối với Mỹ. Mặc dù tân Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ nỗ lực để thu hẹp thâm hụt ngân sách, song dường như đây là một sứ mệnh bất khả thi đối với ông. Ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ khó có thể vừa thực thi lời hứa cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho hạ tầng cơ sở mà lại không phải lạm chi ngân sách. Đó là chưa còn kể đến việc thâm hụt ngân sách của nước Mỹ tới đây còn nghiêm trọng hơn nữa do chi phí chăm sóc người cao tuổi có nguy cơ tăng cao chưa từng thấy. 10 năm trước, mỗi ngày ở Mỹ chỉ có 6.700 người bước sang tuổi 65. Con số này hiện nay là 9.800 người và sẽ tăng tới 11.700 người vào năm 2026.
Nhà kinh tế Joseph J. Minarik cho rằng để xử lý dứt điểm cuộc khủng hoảng nợ, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách công. Giới lãnh đạo kinh doanh cần phải khuyến khích các chính trị gia gạt sang bên những mâu thuẫn đảng phái để cùng nhau lên kế hoạch xử lý nợ công, và việc cần phải làm đầu tiên là cải tổ các chương trình chăm sóc y tế vốn được cho là thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng tại Mỹ.
Về vấn đề đang gây tranh cãi nhất hiện nay tại Mỹ là chính sách nhập cư, các diễn giả thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ đã được lợi rất nhiều từ làn sóng người nhập cư đổ vào Mỹ từ giữa những năm 1960. Người nhập cư cạnh tranh trực tiếp với những người lao động sinh trưởng tại Mỹ trong cả lĩnh vực tay nghề cao lẫn tay nghề thấp. Chính sự cạnh tranh này đã giúp cho toàn bộ lực lượng lao động của Mỹ trở nên hiệu quả hơn và có năng suất cao hơn và đông đảo hơn. Làn sóng người nhập cư cũng làm tăng đáng kể nguồn nhân lực cho nền kinh tế, những người lao động mới này có thu nhập cao hơn, đóng thuế nhiều hơn và ít có nhu cầu xin trợ cấp của chính phủ hơn. Tuy nhiên, theo các diễn giả chính sách nhập cư của Mỹ cần phải được cải tổ để tận dụng tối đa những lợi ích kinh tế này. Hiện tại hệ thống cấp thị thực của Mỹ chủ yếu mang tính tùy hứng, áp đặt những hạn chế về số lượng đối với từng quốc gia. Các nhà kinh tế kiến nghị nên phân bổ thị thực dựa trên ưu tiên tăng nguồn lao động nhập cư cho những lĩnh vực đang khan hiếm nhân công nhất.
Cuối cùng các diễn giả kêu gọi toàn thể cộng đồng kinh doanh ở tất cả các vùng miền của Mỹ, ở mọi ngành nghề, cùng với các nhà hoạch định chính sách tại Washington dũng cảm thay đổi cách thức làm việc để đem lại sự thịnh vượng cho mọi người dân Mỹ./.