Doanh nghiệp "loay hoay” tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Các doanh nghiêp Việt Nam hiện chưa thực sự tận dụng tốt các cơ hội và vẫn đang “loay hoay” vì chưa thể xác định vị trí của mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp "loay hoay” tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1Gia công bảng mạch điện tử. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu không còn là xu hướng mà trở thành nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng.

Sự xuất hiện của các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, LG, Microsoft, Intel hay Mitsubishi Heavy Industries... tại Việt Nam đang được coi là cơ hội vàng cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiêp Việt Nam hiện chưa thực sự tận dụng tốt cơ hội này và vẫn đang “loay hoay” vì chưa thể xác định vị trí của mình ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cơ hội vàng đang đến

Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Việt Nam đang tích cực tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan... đang là chìa khóa quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự gia tăng không ngừng của các chuỗi cung ứng toàn cầu cùng sự phát triển của khu vực dịch vụ đã đem đến những thuận lợi cho doanh nghiệp.

Việc Việt Nam đang tích cực đàm phán tham gia TPP - hiệp định được kỳ vọng là kiểu mẫu sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam tham gia nhanh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau 19 vòng đàm phán, đến nay, các nước tham gia TPP đã đạt được sự nhất trí về các nội dung liên quan đến doanh nghiệp, hướng đến giải quyết các vấn đề của khu vực này.

Trong khuôn khổ các nội dung liên quan đến doanh nghiệp, các nước TPP chú trọng việc trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác đào tạo cho các doanh nghiệp.

Với nguồn lực hạn chế, các nước TPP không có những chương trình đào tạo lớn cho doanh nghiệp nhưng sẽ có chương trình đào tạo giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, để nắm bắt cơ hội từ TPP đem lại.

Đặc biệt, các nước TPP có mức độ phát triển kinh tế khác nhau, đặc thù của khu vực doanh nghiệp cũng khác nhau. Chẳng hạn, một doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hoa Kỳ có thể là một doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Vì vậy, các nước TPP đã cố gắng phân định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa của một nước lớn và một nước đang phát triển. Từ đó thiết kế ra các quy định phù hợp cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong TPP, đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với thị trường ASEAN, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN đang lớn hơn bao giờ hết khi AEC dự kiến sẽ được thành lập trong năm nay.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khi AEC được thành lập, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu không những với các nước ASEAN mà cả với các nước đã tham gia hiệp định thương mại tự do với ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Theo ông Hải, có thể ở giai đoạn đầu, trong một chuỗi sản phẩm, Việt Nam chỉ tham gia một số khâu đơn giản nhưng theo thời gian, Việt Nam sẽ có cơ hội đón những doanh nghiệp đầu tư vào những khâu có giá trị cao hơn như sản xuất vi mạch, chip điện tử...

“Mắt xích” nào trong chuỗi cung ứng?

Mặc dù cơ hội đang mở ra rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự tham gia của các doanh nghiệp Việt trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp so với các nền kinh tế của quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, mới chỉ 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp, trong khi, tỷ lệ này ở Malaysia, Thái Lan là 60%.

Thực trạng trên cho thấy chuỗi cung ứng ở nền kinh tế Việt Nam bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.

Theo VCCI, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do Việt Nam chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp lớn và vừa trong tổng số doanh nghiệp, nên năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng thấp và chỉ hướng vào thị trường trong nước.

Một vấn đề khác, ở Việt Nam, mặc dù nhiều tập đoàn đa quốc gia đã có hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp trong nước gần như đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu mà các doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam.

Theo một báo cáo khảo sát của Công ty CUTS Internationals tại Việt Nam, trong 68 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Công ty Samsung tại Việt Nam có 48 doanh nghiệp FDI và chỉ có 20 doanh nghiệp Việt Nam, tương tự chỉ có 2/12 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Toyota tại Việt Nam.

Tại Hội thảo “Hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam” do Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng đều nhận định rằng, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều điểm hạn chế trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như vị thế cạnh tranh, khả năng tham gia phân công lao động quốc tế còn thấp, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp, gia công.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng các doanh nghiệp cũng chỉ cung cấp các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất sản phẩm chính. Bởi vì, hầu hết các doanh nghiệp Việt thiếu vốn, không có khả năng cạnh tranh về giá, thiếu nguồn nhân lực có trình độ, chưa quen với các thủ tục phức tạp, thiếu các hoạt động quảng cáo.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, một điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau khi tham gia chuỗi cung ứng. Hầu hết các doanh nghiệp phải tự tìm ra chiến lược và chỗ đứng cho mình trên thị trường.

Trong khi đó, trong chuỗi sản xuất cung ứng một sản phẩm, thay vì chỉ một doanh nghiệp đứng ra sản xuất, có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác để chuyên môn hóa từng khâu, từng công đoạn sản xuất.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần xác định lựa chọn sản phẩm nào trong chuỗi giá trị đó và tham gia vào đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi chuỗi giá trị toàn cầu có nhiều doanh nghiệp của nhiều nước tham gia, vấn đề là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng ở đầu hay ở cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; và sản phẩm đó có phải là then chốt, lợi thế không?

Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần hướng tới các sản phẩm công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn, tạo nên giá trị gia tăng cao, đứng ở vị trí cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, các vấn đề như sự hỗ trợ từ phía Nhà nước còn hạn chế; sự cạnh tranh của các đối thủ trong khu vực; cơ sở hạ tầng và công nghiệp logistics còn yếu kém cũng là những rào cản khiến doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được hết cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục