Doanh nghiệp ngành bán lẻ hưởng lợi từ tiêu dùng cuối năm

Mùa bán hàng lớn nhất trong năm gồm Ngày lễ Độc thân, Black Friday và yếu tố thời vụ khác như World Cup, mùa cưới, Tết Âm lịch 2023 sớm hơn thường lệ, sẽ đẩy mạnh chi tiêu của người dân dịp cuối năm.
Doanh nghiệp ngành bán lẻ hưởng lợi từ tiêu dùng cuối năm ảnh 1Các trung tâm thương mại, siêu thị tung các chương trình, khuyến mãi, giảm giá sâu các sản phẩm. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Dù phải đối mặt với áp lực lạm phát, song doanh nghiệp bán lẻ được nhận định sẽ hưởng lợi từ kích cầu tiêu dùng cuối năm, khi đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao.

Tháng 11-12, các nhà bán lẻ và cho thuê mặt bằng bán lẻ đang ráo riết chuẩn bị cho mùa bán hàng lớn nhất trong năm, bao gồm Ngày lễ Độc thân 11/11, Black Friday 25/11 và Giáng sinh 24/12 và chuẩn bị Tết Dương lịch 2023.

Cùng với đó, yếu tố thời vụ khác như World Cup, mùa cưới và Tết Âm lịch 2023 sớm hơn thường lệ, sẽ đẩy mạnh chi tiêu của người dân trong quý 4.

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, quý 4, nhóm sản phẩm cao cấp hơn như điện thoại di động, đồ trang sức thời trang và ôtô có khả năng kinh doanh tốt hơn những sản phẩm khác.

Trong khi đó, thị trường bất động sản trầm lắng ảnh hưởng đến nhu cầu điện máy, điện tử tiêu dùng do vậy cũng có thể gặp khó khăn trong tìm kiếm tăng trưởng. Cùng với đó, việc cắt giảm việc sẽ làm tác động đến nhóm người tiêu dùng công nhân.

Thực tế này một phần đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh của Công ty Đầu tư Thế giới di động trong thời gian qua. Thống kê 10 tháng năm 2022, tổng doanh thu của Thế giới di động và thương hiệu Điện máy xanh tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 10 giảm 18% so với cùng kỳ.

[Hàng hóa được giảm tới 100% trong tháng khuyến mại tập trung quốc gia]

Cụ thể, doanh thu tháng 10 của chuỗi Thế giới di động tăng khả quan nhờ sản phẩm iPhone. Tuy nhiên, do đứt gãy cung ứng tại Trung Quốc, lượng hàng iPhone về chưa đủ đáp ứng nhu cầu có thể khiến doanh thu cả quý 4 thấp hơn so với kỳ vọng.

Đối với thương hiệu Bách hoá xanh, lũy kế 10 tháng năm 2022, doanh thu giảm 9% theo năm, riêng tháng 10 tăng 22% so với cùng kỳ. Theo đại diện thương hiệu này, do tác động bởi các yếu tố vĩ mô, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng phân khúc giá thấp hơn.

Bách hóa xanh cũng ghi nhận lợi nhuận ở cấp độ cửa hàng dương và cao hơn kể từ đầu năm trong tháng 10 sau khi tái cấu trúc cửa hàng và từ nguồn thu online tăng so với cùng kỳ.

Trong ngành bán lẻ, doanh thu của các nhà bán lẻ công nghệ (ICT) dự kiến tăng trưởng tích cực, đặc biệt nhờ dòng iPhone 14 và sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng nhanh (FMCG) trước Tết.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, mảng điện thoại và máy tính xách tay vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu và mang lại tăng trưởng mạnh đối với Công ty Bản lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail).

Đáng chú ý, chuỗi nhà thuốc Long Châu đang trở thành điểm sáng tăng trưởng cho FRT trong thời gian tới, nhờ việc đã thu hút được một lượng lớn khách hàng thời gian qua và các cửa hàng đã đạt mức có lãi từ quý 4/2021.

Mới đây, FRT vừa công bố Nghị quyết rót thêm vốn vào chuỗi dược, với mục đích tăng nguồn vốn để phục vụ cho việc đầu tư mở rộng chuỗi bao gồm đầu tư về mở mới cửa hàng, công nghệ và logistics.

FRT dự kiến tăng vốn góp tại Long Châu gấp đôi, từ 225 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng. Nếu rót vốn thành công, FRT dự kiến sở hữu 89,83% vốn tại Long Châu.

Đại diện FRT cho hay thị trường dược bản chất rất rộng, hiện có tổng 57.000 nhà thuốc trong khi các chuỗi hiện nay cộng lại chỉ có 3.000 cửa hàng. Theo kế hoạch đề ra cho năm 2022, ban lãnh đạo kỳ vọng Long Châu sẽ đóng góp khoảng 50-100 tỷ lợi nhuận, tuỳ thuộc vào tình hình mở rộng chuỗi thực tế.

Theo Yuanta Việt Nam ghi nhận, nhu cầu chi tiêu cho mặt hàng dược-y tế và đồ điện tử vẫn diễn biến tích cực, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát. FRT được kỳ vọng tăng trưởng tích cực khi số cửa hàng Long Châu hiện đã tăng lên con số 808 cửa hàng, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước, chuỗi siêu thị FPT Shop cũng đạt 927 cửa hàng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu ngành bán lẻ gồm nhiều cổ phiếu có vốn hóa và thị giá lớn thể hiện diễn biến khá tích cực trong phiên cuối tuần vừa qua, với sắc xanh bao trùm ở hầu hết mã giao dịch.

Kết phiên, cổ phiếu MWG của Công ty Đầu tư Thế giới di động có giá 37.800 đồng, DGW của Công ty Thế giới số có giá 36.200 đồng, FRT của Công ty Bản lẻ kỹ thuật số FPT có giá 59.000 đồng, PNJ của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận có thị giá 106.200 đồng/đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục