Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo

Các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long vừa xuất khẩu hơn 120.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 20/9 lên hơn 4 triệu tấn.
Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo ảnh 1Đóng bao gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa xuất khẩu hơn 120.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 20/9 lên hơn 4 triệu tấn, đạt 64,2% kế hoạch năm, trị giá 1,84 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2013.

Từ nay đến cuối năm, các tỉnh này phấn đấu xuất thêm 2,3 triệu tấn, nâng tổng lượng gạo xuất cả năm đạt 6,3 triệu tấn.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết năm nay, mặc dù xuất khẩu gạo không thuận lợi nhưng ngành thương mại trong vùng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại tại châu Á, Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ.

Theo ông Quang, các doanh nghiệp đầu tư thêm 600 tỷ đồng lắp mới các dây chuyền hiện đại nâng cao chất lượng xay xát, đánh bóng, bao đóng gói gạo với nhiều trọng lượng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu thụ tại thị trường nước ngoài đồng thời tăng hàng trăm ngàn tấn gạo thơm xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia.

Các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp hạn chế quan hệ với đối tác trung gian mà giao dịch trực tiếp với khách hàng nước ngoài giúp giảm thêm chi phí đồng thời đáp ứng đơn đặt hàng khối lượng lớn, giao hàng trọn gói nên được đánh giá cao.

Cùng với việc tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu, chế biến và bảo quản tốt hơn, chất lượng gạo được bảo đảm, các tỉnh đã chấn chỉnh lại sự hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đảm bảo tính chuyên nghiệp và có trách nhiệm với khâu sản xuất của người nông dân hơn.

Nhờ đó, hiện tượng bán phá giá, gây thiệt hại đến quyền lợi của người sản xuất, của doanh nghiệp gần như không còn; số lượng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh bảo đảm chủ động chế biến gạo chất lượng cao tăng lên 19 đơn vị với 134.000ha.

Hệ thống thương lái và xay xát bước đầu được tổ chức lại theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và mua lúa gạo theo giá thị trường, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên.

Ngoài ra, các địa phương mở rộng diện tích cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, tạo thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, né rầy, khống chế dịch bệnh và thực hiện quy trình cơ giới hóa đồng bộ góp phần tạo điều kiện cho vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu 2014 trúng mùa với sản lượng đạt 20,6 triệu tấn, là nguồn nguyên liệu đồi dào phục vụ chế biến xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục