'Du ký Phan Quang': Theo chân nhà báo kỳ cựu đến thăm 20 quốc gia

Không chỉ kể những câu chuyện trên đường như đặc trưng vốn dĩ của thể loại du ký, cuốn sách còn mở ra trước mắt người đọc những chân trời mới.
'Du ký Phan Quang': Theo chân nhà báo kỳ cựu đến thăm 20 quốc gia ảnh 1Cuốn sách dày 700 trang, ghi lại hành trình qua 20 quốc gia của nhà báo Phan Quang. (Ảnh: Đông A)

Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A mới ra mắt cuốn sách “Du ký Phan Quang: Tiếc nuối hoa hồng” gồm 50 bài viết kèm hình ảnh minh họa, ghi lại hành trình qua khoảng 20 nước trên thế giới của nhà báo Phan Quang.

['Cây đại thụ' làng báo Phan Quang: 'Làm báo phải có chất văn...']

Nhờ vốn sống, kiến thức và cả vị trí xã hội của người viết, cuốn sách này vừa là chuyện kể về những trải nghiệm, chuyến đi, vừa là những câu chuyện văn hóa, lịch sử, đôi khi cả chuyện chính trị, với những cuộc gặp gỡ, tiếp tân mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.

Các bài viết này được chọn lọc từ các sách đã xuất bản rải rác trong nhiều năm của tác giả: “Thơ thẩn Paris” (Nhà xuất bản Văn học, 2002); “Bên mộ vua Tần” (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2003); “Du ký” (Nhà xuất bản Văn học, 2005)...

'Du ký Phan Quang': Theo chân nhà báo kỳ cựu đến thăm 20 quốc gia ảnh 2Cuốn sách đi kèm với nhiều hình ảnh minh họa do chính tác giả chụp lại. (Ảnh: Đông A)

Cuốn sách 700 trang đầy ắp chuyện kể hành trình, chuyện kể văn hóa, lịch sử và những câu chuyện thú vị cho những người đam mê khám phá và ham hiểu biết. Tất cả được kể bằng một giọng nghiêm ngắn nhưng không kém phần duyên dáng, ý nhị.

Đánh giá về tác giả, nhà văn Tô Hoài từng nói: “Tôi thấy một Phan Quang, nhà văn tâm hồn và văn phong chan hòa ruột thịt với phong cách nhà báo. Phải uyên thâm, lão luyện nghề báo nghề văn đến mức thế nào mới sáng tạo được những nét riêng từ cái nghĩ, cái chữ như thế được.”

Nhà văn Vu Gia thì nhận xét: “Đọc du ký của Phan Quang, tôi thấy như mình được ‘hiển hiện’ nơi ông đến và viết”./.

Tác giả Phan Quang (sinh năm 1928) là nhà văn, nhà báo kỳ cựu, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin.

Bước chân vào nghề báo từ năm 20 tuổi, ông là cây bút quen thuộc trên báo Cứu quốc Liên khu IV. Năm 1954, ông được điều động về báo Nhân dân và làm việc tại đây trong gần 30 năm, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng.

Ngòi bút của ông mạnh mẽ về phong cách và đa dạng về thể loại, từ phóng sự, tiểu luận đến truyện ngắn, bút ký, truyện dịch. Trong thời gian công tác, ông có điều kiện đi qua nhiều nước, trải nghiệm nhịp sống và văn hóa của nhiều dân tộc trên khắp năm châu, và lưu lại nhiều bài bút ký ấn tượng.

Bên cạnh công tác báo chí và sáng tác, ông còn là một dịch giả nổi tiếng với các bản dịch gây tiếng vang từ thập niên 1980 đến tận bây giờ, trong đó có bản dịch nổi tiếng “Nghìn lẻ một đêm” của Antoine Galland và “Nghìn lẻ một ngày” của François Pétis de la Croix.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục