Hiện nay, du lịch Nghệ An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp, mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế; tính hấp dẫn và đa dạng của sản phẩm du lịch chưa có cải thiện rõ nét.
Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Khai thác tiềm năng du lịch Nghệ An", do Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Viện Kinh tế Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 16/5 tại Cửa Lò.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đúng thế mạnh các tiềm năng hiện có của tỉnh Nghệ An; từ đó định vị các sản phẩm du lịch chủ đạo có giá trị thương hiệu và mang đặc trưng của Nghệ An trong giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với trên 2.600 di tích lịch sử, danh thắng; là nơi sinh sống của đồng bào 6 dân tộc với nhiều nét văn hóa riêng.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An còn có 82 km bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp; có Khu Dữ trữ sinh quyển miền Tây được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, trên tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Việt, có Cảng biển quốc tế Cửa Lò, sân bay quốc tế, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây nối liền Myanmar-Thái Lan-Lào-Việt Nam với Biển Đông đã tạo cho Nghệ An lợi thế quan trọng trong giao lưu và phát triển du lịch.
[Nghệ An xây dựng chợ truyền thống thành điểm đến hấp dẫn]
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Nghệ An còn đơn điệu, thiếu đa dạng và ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với khách du lịch. Nghệ An chưa thực sự phát huy được vai trò trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, chưa kết nối tốt với các địa phương khác trong vùng để hình thành những chương trình du lịch đa dạng, khác biệt; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng nhìn tổng thể, trình độ phát triển du lịch Nghệ An hiện tại còn thấp (ngay cả du lịch biển Cửa Lò cơ bản chỉ là tắm biển, không có lặn biển, không có dù lượn, không có du thuyền, thiếu các chương trình khám phá biển đảo, thiếu hẳn du lịch dịch vụ ban đêm) nên giá trị gia tăng du lịch ít. Trong khi đó, hoạt động du lịch ở Nghệ An còn chủ yếu khai thác tài nguyên du lịch sẵn có, thiếu nỗ lực nâng cấp các nguồn tài nguyên du lịch...
Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng du lịch Nghệ An phát triển nhanh hay chậm ngoài sự nỗ lực của tỉnh còn phụ thuộc rất lớn đến sự phát triển du lịch của cả nước, của các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Ông Nguyễn Thế Trung đưa ra 5 giải pháp để phát triển du lịch Nghệ An, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; có chính sách hợp lý, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh đầu tư kinh doanh du lịch ở Nghệ An; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển hạ tầng du lịch.
Đại diện Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) lưu ý tỉnh Nghệ An tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo những hướng chủ yếu; phát triển sản phẩm du lịch theo chiều sâu; đa dạng hóa dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch phù hợp nhằm khắc phục tính mùa vụ; tăng cường hơn nữa công tác liên kết phát triển sản phẩm.
Nghệ An có lợi thế có đường biên giới giáp nước Lào. Trong những năm trở lại đây, du lịch đường bộ qua các nước Lào, Campuchia, Thái Lan đang có những bước phát triển nhất định, lượng khách du lịch đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung ngày càng tăng. Do đó, Nghệ An cần tiếp tục tăng cường liên kết và phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đường bộ.
Tuy nhiên, tính mùa vụ du lịch của Nghệ An là rất rõ rệt và đây cũng chính là đặc điểm chung của các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra. Mùa cao điểm của du lịch Nghệ An thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10 hằng năm. Vào thời điểm này, thời tiết nắng nóng phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, là loại hình du lịch chính ở Nghệ An. Đây cũng là mùa cao điểm của khách du lịch nội địa.
Do đó, để khắc phục tính mùa vụ, tỉnh Nghệ An cần phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch tâm linh nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến tham quan du lịch cả trong mùa thấp điểm; nghiên cứu phát triển du lịch khám phá, mạo hiểm tại khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch Yoga, du lịch thiền bãi biển nhằm thu hút khách du lịch đến các bãi biển của Nghệ An cả trong mùa lạnh, mùa thấp điểm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết mục tiêu phát triển du lịch Nghệ An là phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa-văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú của tỉnh để tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết trong phát triển du lịch, tỉnh Nghệ An sẽ hình thành các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An; hoàn thành thu hút các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái có quy mô và đẳng cấp chất lượng cao; kết nối Nghệ An vào chuối giá trị các sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, liên vùng Bắc-Nam Trung Bộ và với các trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, thu hút từ 5 đến 5,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 170.000 khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp từ 5-6% GRDP của tỉnh; tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. Đến năm 2030, du lịch Nghệ An cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%...
Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel); Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn./.