Du lịch trực tuyến thời sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data sẽ thế nào?

Du lịch xưa cần mẫn chạy quảng cáo để hút khách, gửi email, dùng fanpage, chạy website, chốt sale rồi mới mời khách đi du lịch, thì nay chuyển sang 4.0 với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, bigdata...
Trí tuệ nhân tạo của các nền tảng công nghệ giúp thu thập, xử lý hành vi người dùng để chủ động cung cấp thông tin tìm kiếm liên quan. (Ảnh minh họa: X.Mai/Vietnam+)
Trí tuệ nhân tạo của các nền tảng công nghệ giúp thu thập, xử lý hành vi người dùng để chủ động cung cấp thông tin tìm kiếm liên quan. (Ảnh minh họa: X.Mai/Vietnam+)

Mỗi ngày, cả thế giới chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của những nền tảng công nghệ thâm nhập vào lĩnh vực du lịch khiến diện mạo lẫn bản chất của ngành này thay đổi chóng mặt. Các chuyên gia nhận định, du lịch trực tuyến chính là một bước ngoặt quan trọng của ngành “kinh tế không khói.”

Trong khoảng 10 năm qua, các doanh nghiệp du lịch đã bắt đầu ứng dụng du lịch trực tuyến nói riêng và công nghệ nói chung vào các hoạt động như booking tự động hay xây dựng các cơ sở dữ liệu du lịch...

[Những nền tảng công nghệ du lịch mới nào xuất sắc nhất Việt Nam?]

Gần đây, nhiều start-up du lịch đều bắt nguồn từ công nghệ thông tin. Điều đó cho thấy xu hướng 4.0 không chỉ thâm nhập vào ngành du lịch mà đặc biệt "ngấm" từ thế hệ trẻ là lực lượng sẽ đi đầu trong phát triển ứng dụng 4.0 với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data… để phát triển du lịch.

Là một trong những chuyên gia công nghệ có nhiều ý tưởng sáng tạo, ông Tuấn Hà, CEO Vinalink đã có những chia sẻ tâm huyết xung quanh câu chuyện du lịch trực tuyến ở Việt Nam.

"Cuộc chiến” của ví điện tử

- Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của du lịch trực tuyến trong việc thu hút khách và tăng doanh thu ngành này ở Việt Nam hiện nay?

Ông Tuấn Hà: Tốc độ tăng trưởng kinh doanh trực tuyến của ngành du lịch Việt Nam phát triển và tăng trưởng rất mạnh, doanh số năm 2018 là 3,5 tỷ USD trong tổng số 9 tỷ USD thương mại điện tử toàn quốc.

Con số 30% này thực sự là khoản lợi nhuận và doanh thu khổng lồ, nên các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đã nhìn thấy từ xa, từ lâu và tiếp cận vào thị trường Việt Nam như Agoda. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp “inbound” (đưa khách quốc tế vào), hầu hết doanh thu đều từ kênh trực tuyến.

Cách đây 20 năm, du lịch Việt Nam đã làm trực tuyến rồi chứ không phải đợi đến bây giờ. Tuy nhiên, những năm qua toàn bộ hoạt động du lịch chuyển dịch rất nhanh sang trực tuyến. Ví dụ, tổng doanh thu toàn ngành du lịch là 20 tỷ USD thì sẽ dịch chuyển cho trực tuyến 3,5 tỷ USD, nhưng dự kiến đến năm 2025 con số dịch chuyển từ tổng doanh thu toàn ngành sang du lịch trực tuyến sẽ là 50%.

Du lịch trực tuyến thời sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data sẽ thế nào? ảnh 1Agoda là một trong những nền tảng được đông đảo người dùng sử dụng.

Cũng vì thế, Ngày hội “Du lịch trực tuyến” vừa được tổ chức nhằm tăng tốc cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các địa phương muốn áp dụng du lịch trực tuyến nhanh trong tăng trưởng doanh thu.

Chúng ta có thể nhìn vào con số từ các quốc gia khác để so sánh, trong cán cân này Thái Lan và Indonesia vượt trội hơn Việt Nam gấp 3 lần với doanh thu từ du lịch trực tuyến đạt gần 10 tỷ USD. Việc các quốc gia khác có lợi thế cạnh tranh như vậy vì họ áp dụng du lịch trực tuyến sớm chứ không hẳn là họ có lợi thế về du lịch. Cho nên, để tăng lượng khách vào Việt Nam cũng như doanh thu nói chung thì áp dụng trực tuyến là vấn đề quan trọng.

- Trong buổi chung kết cuộc thi dành cho các start-up công nghệ du lịch vừa qua, đại diện nhiều nền tảng du lịch có chia sẻ rằng, công nghệ thanh toán ở Việt Nam đang gây nhiều khó khăn cho họ. Điều đó có thực sự đúng không, thưa ông?

Ông Tuấn Hà: Chính xác. Thật ra việc thanh toán trực tuyến ở Việt Nam cũng khá tốt rồi, chỉ là chưa được “nuột.” Nếu so sánh với cách đây 2-3 năm thì hệ thống chuyển mạch chuẩn quốc gia chưa thực sự phát triển, nhưng 1-2 năm trở lại đây đã khác.

Trước đây, thanh toán trực tuyến ở Việt Nam chỉ có Onepay của Australia, nhưng giờ có thêm Banknet Smartlink. Tất cả hệ thống chuyển mạch quốc gia đã kết nối giúp thanh toán tốt hơn, đặc biệt là ví. Hiện chúng ta có Moca, Momo, Zalopay, Viettelpay, hay kể cả VnPay cũng đều áp dụng phương pháp thanh toán thông qua ví mới.

Trong tương lai, con người sẽ thanh toán bằng ví điện tử chứ không phải thẻ nữa. Như Trung Quốc, họ chỉ dùng điện thoại di động cùng ứng dụng Wechat để thanh toán cho tất cả dịch vụ. Alipay, Paypal cũng là hệ thống thanh toán rất phổ biến ở nước ngoài. Vì thế, tương lai ở Việt Nam sẽ là "cuộc chiến" của ví.

Hiện tại, các hệ thống POS, hệ thống ví đã liên kết với nhau, kết nối với hệ thống thẻ và sẽ tốt dần hơn trong tương lai.

Du lịch trực tuyến thời sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data sẽ thế nào? ảnh 2Thời của du lịch trực tuyến trước khi du lịch thực tế.

Còn vấn đề thanh toán qua các nền tảng như bạn vừa nói còn phụ thuộc vào việc thứ nhất người dân chưa sử dụng nhiều, thứ hai là vấn đề xác thực chưa thuận tiện. Thật ra nhiều ngân hàng đang làm tốt việc này rồi, như việc họ đã sử dụng nhận dạng bằng vân tay, face ID thay bằng gõ password thay cho những công nghệ cũ là cá nhân phải ra tận ngân hàng làm thủ tục xin cấp lại.

Điểm yếu nhất của thanh toán trực tuyến ở Việt Nam hiện nay là các ngân hàng vẫn chưa chịu kết nối với các ví. Ví dụ, khi Moca kết nối với Vietcombank thì sẽ không thể kết nối được với các hệ thống ngân hàng khác, không như ở nước ngoài họ thường “bắt tay” nhau.

Du lịch thời... trí tuệ nhân tạo, big data

- Ngoài hạn chế về thanh toán thì theo ông hạn chế của du lịch trực tuyến Việt Nam hiện nay là gì, và làm sao bước qua điểm yếu đó để phát triển bùng nổ hơn?

Ông Tuấn Hà: Hiện doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có nhiều thói quen sử dụng công nghệ. Ngay như các doanh nghiệp “inbound” vẫn làm theo hình thức truyền thống là chạy quảng cáo để thu hút khách, gửi email, dùng fanpage, chạy website, khi chốt sale rồi thì mời khách đi du lịch. Đó không phải là 4.0 mà chỉ là online lạc hậu thôi. 4.0 là sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data [tập dữ liệu lớn bao gồm các phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư].

Nói để các bạn dễ hình dung, khi khách ở nước ngoài phát sinh nhu cầu đi du lịch hoặc có thói quen du lịch vào mùa này thì hệ thống của chúng ta phải nhận diện ra để “push” thông tin (chủ động đẩy tin tức) chứ không phải là chạy quảng cáo ngẫu nhiên để ai quan tâm thì vào xem.

Du lịch trực tuyến thời sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data sẽ thế nào? ảnh 3Hoàng hôn trên vịnh Lan Hạ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cuộc trò chuyện của chúng ta với nhau như thế này nhưng “ông” Google, Facebook biết hết chúng ta đang nói gì, lát nữa khi mở Facebook bạn sẽ thấy một loạt quảng cáo liên quan tới nội dung của cuộc trò chuyện. Kể cả bạn mở Smart Tivi, xem nội dung gì trên YouTube thì google cũng biết và xuất hiện quảng cáo theo dòng chủ đề đó trong Mobile. Hay nếu dùng Chrome thì bạn vào website nào, thói quen hoạt động ra sao... cũng được Google theo dõi hết để ghi lại. Đó là việc Google sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo), theo dõi chéo thiết bị (Cross-Device Tracking) để ghi lại các hành vi người dùng.

Quảng cáo của Google bây giờ gọi là GDN [Google Display Network - quảng cáo thông qua hình ảnh, văn bản, flash… xuất hiện trên hệ thống những website đối tác của Google -PV] cũng link theo hành vi người dùng chứ không phải quảng cáo dạng ngẫu nhiên như ngày xưa.

Trong tương lai sẽ sử dụng 4.0 rất nhiều, nhưng thứ nhất doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có đơn vị nào quen dùng, thứ hai là platform (nền tảng) cung cấp các giải pháp 4.0 ở Việt Nam không có, hoặc rất kém. Các doanh nghiệp công nghệ của chúng ta nếu có dùng thì đa phần dùng công nghệ nước ngoài vừa đắt tiền vừa khó dùng, do nó không phải sản xuất dành cho người Việt mà làm chung cho toàn cầu nên tư duy rất khác. Nhiều khi doanh nghiệp Việt khác nhìn thấy mức giá cao lại không dám chi.

Ví dụ như tôi hiện nay đang sử dụng một ứng dụng nền tảng có giá 500USD/tháng, để tự xây dựng big data cho riêng mình, trong đó đã có sẵn trí tuệ nhân tạo và tự động hóa.

Tôi cũng trả thêm 50USD/tháng để mua một giải pháp kết nối, tức là giải pháp này sẽ giúp tôi kết nối tất cả các đầu nguồn như card visit, email, điện thoại… về hệ thống big data. Thường thì doanh nghiệp Việt ít khi chấp nhận việc bỏ ra 50USD/tháng chỉ để làm việc này, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến công nghệ đó, mà thường chỉ thuê người ngồi nhập liệu thủ công.

Du lịch trực tuyến thời sử dụng trí tuệ nhân tạo, big data sẽ thế nào? ảnh 4Việt Nam được đánh giá là điểm đến của Golf trong thời gian tới. (Ảnh có tính minh họa: CTV/Vietnam+)

Thực tế tôi thấy hầu như không có sự dịch chuyển sang 4.0 trong các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. Những doanh nghiệp lớn, nếu quyết tâm gia nhập công nghệ 4.0 như Gotadi, Luxstay, Vntrip, Vivavivu… thì lại bị đối thủ nước ngoài như Booking, Agoda… cạnh tranh. “Ông” nào manh nha đầu tư nghiêm túc như Luxstay thì lại bị nước ngoài thôn tính nên thành phần vốn của người Việt còn lại trong những ứng dụng này cũng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10-20%.

Giống như Grab nghe có vẻ rất Đông Nam Á, nhưng thực ra đứng đằng sau lại là Softbank, chỉ có các đại gia nước ngoài mới đủ mạnh để đầu tư được mấy chục tỷ USD cho các platform (nền tảng) như vậy.

- Như vậy, muốn phát triển được du lịch trực tuyến, yếu tố quyết định thành công là cần nhiều tiền đầu tư?

Ông Tuấn Hà: Nếu muốn tạo “cuộc chơi” lớn thì cần rất nhiều vốn. Ở Việt Nam có Luxstay, trước là của hai cá nhân, một trong hai người đó từng sở hữu Netlink, rồi bán Netlink cho Yeah1 để đầu tư vào Luxstay.

Nhưng sau đó họ cũng phải kêu gọi thêm 30 triệu USD phát triển, chứ một doanh nghiệp du lịch bình thường sẽ không đủ tư duy để làm mà chỉ có thể mua sẵn một platform.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục