Đức cảnh báo nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại

Bộ trưởng Y tế Đức nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang quay trở lại, bởi chúng chưa thực sự kết thúc, đồng thời kêu gọi các bang sớm có thêm các quy định về việc đeo khẩu trang trong không gian kín.
Đức cảnh báo nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Gruenau (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tại Đức đang có chiều hướng bùng phát mạnh trở lại khi số ca nhiễm mới gia tăng hằng ngày, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach ngày 14/10 đã khởi động chiến dịch kêu gọi người dân đi tiêm chủng vaccine mũi thứ 4 (mũi tăng cường thứ 2) nhằm giảm số người lây nhiễm cũng như các trường hợp bệnh trở nặng trong mùa Thu và mùa Đông.

Với khẩu hiệu "Tôi tự bảo vệ mình," Bộ trưởng Lauterbach đã khởi động chiến dịch tiêm chủng mới khi nhận định việc tiêm chủng và phòng ngừa dịch bệnh hiện nay đang chưa được thực hiện một cách tốt nhất - điều dẫn tới số ca mắc bệnh tăng nhanh trên cả nước và số ca tử vong cũng gia tăng trong khi nhiều bệnh viện cảnh báo nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải.

Ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đang quay trở lại, bởi chúng chưa thực sự kết thúc, đồng thời kêu gọi các bang sớm có thêm các quy định về việc đeo khẩu trang trong không gian kín.

Theo ông, các loại vaccine mới, thuốc men cho người bệnh cũng như dữ liệu chính xác hơn chính là công cụ để kiểm soát đại dịch vào mùa Thu và mùa Đông này.

[COVID-19: Đức gỡ bỏ hầu hết quy định phòng dịch từ ngày 20/3]

Tuyên bố của ông Lauterbach được đưa ra khi riêng trong ngày 13/10 trên cả nước Đức đã ghi nhận gần 114.200 ca nhiễm mới, thậm chí ngày trước đó còn ghi nhận trên 145.200 ca nhiễm mới và tỷ lệ mắc bệnh trong bảy ngày có chiều hướng liên tục tăng lên.

Đây là con số chính thức được báo cáo lên các sở y tế, trong khi khả năng nhiều trường hợp lây nhiễm không báo cáo cho cơ quan chức năng. Bộ trưởng Lauterbach cho rằng, có thể số ca nhiễm thực tế cao gấp ba lần so với con số chính thức hiện nay.

Nhiều trường hợp mắc COVID-19 cũng sẽ có hội chứng COVID kéo dài, tuy nhiên những trường hợp qua đời khoảng sáu tháng sau khi mắc bệnh không được đưa vào con sô thống kê do mắc COVID-19.

Theo ông, cũng cần tính số trường hợp này vào tổng số ca tử vong do COVID-19, bởi nếu họ không mắc bệnh thì có thể họ chưa qua đời.

Tính đến ngày 14/10, tỷ lệ tiêm chủng ở Đức đạt trên 76%, trong đó số người tiêm cơ bản hai mũi đạt 76%, số người tiêm một mũi tăng cường đạt 62% và hai mũi tăng cường chỉ đạt 10,5%. Tuy nhiên, vẫn còn trên 22% dân số chưa tiêm chủng.

Với phần lớn dân chúng đã tiêm chủng ngừa COVID-19, việc bảo vệ cơ thể trước đại dịch đã tốt hơn.

Theo một nghiên cứu với 25.000 trường hợp về khả năng miễn dịch, tỷ lệ tiêm chủng và các lần lây nhiễm, có tới 19 trong số 20 người ở Đức đã phát triển khả năng miễn dịch cơ bản chống lại virus SARS-CoV-2, dù là thông qua tiêm chủng hay từng mắc bệnh.

Nghiên cứu được chính phủ Đức tài trợ cho thấy 95% dân số có kháng thể chống lại virus, trong khi ở hầu hết các nhóm tuổi, đa số có khả năng bảo vệ cơ thể từ trung bình đến mức cao trước nguy cơ bệnh trở nặng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục