Đức nhận định Thổ Nhĩ Kỳ "tích cực hỗ trợ tổ chức khủng bố"

Theo các thông tin mật rò rỉ được báo chí Đức đăng tải, Chính phủ nước này nhận định Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ và tích cực hỗ trợ các tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Đức nhận định Thổ Nhĩ Kỳ "tích cực hỗ trợ tổ chức khủng bố" ảnh 1Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tuy nguội lạnh, song Chính phủ liên bang Đức tới nay vẫn rất thận trọng với những lời chỉ trích chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Tuy nhiên, theo các thông tin mật rò rỉ được báo chí Đức đăng tải, Berlin nhận định Ankara có mối liên hệ chặt chẽ và tích cực hỗ trợ các tổ chức khủng bố Hồi giáo.

Theo các thông tin từ tổ hợp truyền thông ARD của Đức ngày 16/8, Chính phủ liên bang Đức đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ là "nền tảng trung tâm cho hành động của các nhóm Hồi giáo," sự hợp tác với các tổ chức Hồi giáo và khủng bố ở Trung-Cận Đông là "chính sách có ý thức" từ nhiều năm qua của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, được Tổng thống Erdogan tích cực hỗ trợ.

Thông tin được xếp hạng mật mà ARD có được là câu trả lời của Chính phủ Đức với câu hỏi của phía đảng Cánh tả trong Quốc hội liên bang.

ARD trích dẫn câu trả lời có đoạn: "Vô số các cuộc tuần hành bày tỏ sự đoàn kết cũng như các hành động ủng hộ cho tổ chức MB ở Ai Cập (tổ chức Anh em Hồi giáo), tổ chức Hamas và các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Syria thông qua đảng AKP (đảng Công lý và Phát triển) và Tổng thống Erdogan đã cho thấy sự đồng cảm về ý thức hệ giữa những người anh em Hồi giáo." 

Với nhận định này, Chính phủ Đức đã lần đầu tiên chính thức bày tỏ về mối quan hệ trực tiếp giữa Tổng thống Erdogan với một tổ chức (như Hamas) mà EU từ năm 2003 đã xếp là tổ chức khủng bố.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: "Với hệ quả của các chính sách đối nội và đối ngoại từng bước Hồi giáo hóa của Ankara từ năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nền tảng trung tâm cho hành động của các nhóm Hồi giáo ở khu vực Trung và Cận Đông."

Cũng theo thông tin nêu trên, về công khai, Chính phủ Đức cho tới nay vẫn thể hiện quan điểm dè dặt đối với các vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ.

ARD viết rằng kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng người tị nạn, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier vẫn cố thận trọng với những phát biểu chỉ trích chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là bày tỏ cảm thông với những biện pháp cứng rắn của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành vừa qua ở nước này.

Tuy nhiên, về sự tương đồng đặc biệt giữa chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với chủ nghĩa Hồi giáo vũ trang, cho tới nay Chính phủ liên bang chỉ nói tới khi họp kín hoặc chỉ bóng gió về sự gần gũi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục