“Internet chưa bao giờ là ảo. Nó thật như chính cuộc sống của chúng ta vậy, vì thế, hãy thành thực với nó.” Đó là một phần thông điệp mà Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy muốn gửi đến độc giả qua tiểu thuyết “Sát thủ online” - cuốn tiểu thuyết đầu tiên nói về tội phạm Internet vừa đoạt giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức vừa tổng kết và trao giải đầu năm 2011.
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy xung quanh nội dung của cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về tội phạm Internet ở Việt Nam.
- Hiện tượng vị thành niên phạm tội có liên quan đến thế giới ảo, mạng Internet đã được báo chí đề cập tới nhiều như một vấn đề nhức nhối của cả xã hội nhưng văn học thì chưa. Xin anh cho biết xuất phát từ lý do nào để anh chọn đề tài này cho cuốn tiểu thuyết của mình?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Khi mà những hệ lụy từ Internet đã trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội thì cần phải lên tiếng bởi ít nhất tôi cũng là một công dân sống trong xã hội ấy. Hơn nữa, tôi còn là một nhà báo, mà nhà báo thì phải có trách nhiệm, phải thấy day dứt, trăn trở trước các vấn đề nóng của xã hội. Hiện thực xã hội phải được phản chiếu tức thời trên mặt báo, bởi một trong những đặc thù của báo chí là tính cập nhật, tính thời sự. Văn học sẽ đi sau một bước.
Còn lý do để tôi bắt tay viết “Sát thủ online” bắt đầu là khi Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Công an mở cuộc thi tiểu thuyết với đề tài “Vì bình yên cuộc sống,” tôi có được mời tham gia. Tôi đã chọn đề tài là tội phạm Internet. Cùng lúc đó cũng là thời điểm các báo đưa tin kỷ niệm 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam với những “được-mất” và những lúng túng về mặt quản lý xã hội, tôi muốn viết một cái gì đó để đánh dấu cái mốc mang tính xã hội rất cao này.
Câu chuyện tội phạm vị thành niên trong “Sát thủ online” thực ra chỉ là cái nền để truyền tải một câu chuyện lớn hơn về Internet và những hệ luỵ của nó.
- Để viết cuốn tiểu thuyết này, có lẽ anh cũng đã mất không ít thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu thực tế. Anh đánh giá như thế nào về những hệ lụy mà vấn nạn Internet đang gây ra cho giới trẻ hiện nay?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Không quá khó để tìm hiểu những mảng hiện thực về những hệ lụy từ Internet. Mọi thứ gần như đã phơi bày trên mặt báo. Ngày nào lật giở các trang báo giấy, báo mạng hầu như bạn đều bắt gặp những tin giết người, cướp của, giết người thân, thậm chí ngay chính người sinh thành ra mình, của những người trẻ mà nguyên nhân trực tiếp từ Internet.
Hậu quả về mặt xã hội thì đã thấy, thế nhưng có một hậu quả vô hình đối với ngay chính các em, đó là các em bị biến dạng nhân cách, lệch lạc về suy nghĩ, lối sống, có những hành vi bất thường, thiếu kiểm soát, biến mình thành mối nguy hiểm cho xã hội và kết cục là trở thành tội phạm. Nếu không có những giải pháp mang tính xã hội thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ hỏng mất cả một thế hệ, chúng ta sẽ để tuột mất cả một thế hệ vào tay thế giới ảo.
- Trách nhiệm của người lớn ở đâu? Phải chăng chính bản thân chúng ta cũng đang loay hoay, chưa có sự chuẩn bị tương xứng để đối mặt với những tác hại từ lĩnh vực mới mẻ này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa có những hiểu biết cần thiết và quan tâm đúng mức đến con em mình. Nhiều bậc cha mẹ cứ vô tư thả con em vào khu vườn hoang Internet. Khu vườn ấy có hoa thơm trái ngọt và có cả beo hùm, rắn rết, có những mê cung của game online. Mà trẻ em thì bao giờ chả tò mò. Chứng nghiện game, nghiện net bùng phát như một đại dịch. Đến khi các phương tiện truyền thông đồng loạt lên tiếng thì đã trở thành vấn nạn mất rồi.
Về mặt xã hội, Internet là một lĩnh vực rất mới, và chúng ta đang loay hoay trong công tác quản lý. Việt Nam đứng đầu trong khu vực về tốc độ phát triển thuê bao cũng như số người sử dụng Internet, không ai phủ nhận những lợi ích lớn lao do Internet mang lại, nhưng hậu quả của nó thì cũng lớn đến mức bàng hoàng. Internet là cánh cửa để chúng ta bước vào ngôi nhà chung toàn cầu, là công cụ để chúng ta hội nhập, nhưng cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng ta đang phải đối mặt với những tác động xấu từ nó.
- So với báo chí thì văn học vẫn có những thế mạnh riêng khi đề cập tới những vấn đề thời sự nhức nhối, từ đó có sức tác động mạnh tới tình cảm, nhận thức của độc giả. Anh vừa là một nhà báo lại vừa là một nhà văn. Điều này giúp anh thế nào khi viết về đề tài quen thuộc với thời sự nhưng lại khá mới mẻ với văn học?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Văn học và báo chí, mỗi thể loại có một cách riêng để phản ánh hiện thực. Chính vì là một nhà báo mà tôi thường xuyên quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng hổi của báo chí, những vấn đề mang tính xã hội và “tiềm ẩn” những chất liệu cho văn học. Bản thân tôi chưa viết một bài báo nào về tội phạm Internet, nhưng thông qua các đồng nghiệp tôi đã có cái nhìn về hiện trạng này.
Tôi nhìn nhận hiện trạng đó trước hết dưới lăng kính của một người làm báo. Nhưng tôi cũng đồng thời là một người viết văn, vì thế, đó cũng là chất liệu tốt cho sáng tác, đương nhiên khi đã thành tiểu thuyết thì mọi thứ đã được hư cấu trên cái nền hiện thực ấy để thành những hình tượng văn học. Có một chút giao thoa thú vị ở đây khi tôi đã sử dụng sau mỗi chương tiểu thuyết là một ô thông tin với lối hành văn đậm “chất” báo chí dưới dạng các bản tin trên truyền hình quốc gia có vai trò thôi thúc, cảnh báo. Bản tin cuối cùng là bản tin lúc 0 giờ, mốc cảnh báo cao nhất, cũng là thời điểm kết thúc một ngày với hy vọng một ngày mới đến mọi thứ sẽ khác.
Với nhà văn thì tôi nghĩ không có đề tài nào là cũ, cũng chẳng có đề tài nào là mới, vấn đề là tác phẩm của anh có được bạn đọc đón nhận hay không. Còn đề tài "hot," thời thượng hay thời sự chỉ là yếu tố hỗ trợ, cộng hưởng sự quan tâm của xã hội mà thôi. Cuối cùng vẫn là anh viết về nó như thế nào.
- Một thế giới tội phạm mạng được phơi bày trần trụi trong cuốn tiểu thuyết này: hiếp dâm, giết người, cướp của nhưng bên cạnh đó vẫn có hơi ấm tình người, tình mẫu tử. Và mỗi người đọc sẽ tự có được những suy nghĩ, nhận thức của riêng mình. Còn bản thân anh, với tư cách là tác giả, anh muốn nói điều gì thông qua tiểu thuyết này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Chúng ta tiếp nhận những cái mới quá nhanh, trong khi những sự chuẩn bị cho nó, và cả việc đối mặt với những hệ lụy từ nó chưa tương xứng, không theo kịp, như vậy bi kịch tất yếu sẽ xảy ra. Mọi người say mê với "thế giới ảo," đeo mặt nạ khi bước vào nó, ngụp lặn trong nó đầy mê mải như khám phá một khu vườn vô chủ, mà ít ai nghĩ rằng Internet không phải là một "thế giới ảo" như ta tưởng. Internet chưa bao giờ là ảo. Nó thật như chính cuộc sống của chúng ta vậy, vì thế, hãy thành thực với nó.
- Xin cám ơn anh!
Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Xuân Thủy xung quanh nội dung của cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về tội phạm Internet ở Việt Nam.
- Hiện tượng vị thành niên phạm tội có liên quan đến thế giới ảo, mạng Internet đã được báo chí đề cập tới nhiều như một vấn đề nhức nhối của cả xã hội nhưng văn học thì chưa. Xin anh cho biết xuất phát từ lý do nào để anh chọn đề tài này cho cuốn tiểu thuyết của mình?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Khi mà những hệ lụy từ Internet đã trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội thì cần phải lên tiếng bởi ít nhất tôi cũng là một công dân sống trong xã hội ấy. Hơn nữa, tôi còn là một nhà báo, mà nhà báo thì phải có trách nhiệm, phải thấy day dứt, trăn trở trước các vấn đề nóng của xã hội. Hiện thực xã hội phải được phản chiếu tức thời trên mặt báo, bởi một trong những đặc thù của báo chí là tính cập nhật, tính thời sự. Văn học sẽ đi sau một bước.
Còn lý do để tôi bắt tay viết “Sát thủ online” bắt đầu là khi Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Công an mở cuộc thi tiểu thuyết với đề tài “Vì bình yên cuộc sống,” tôi có được mời tham gia. Tôi đã chọn đề tài là tội phạm Internet. Cùng lúc đó cũng là thời điểm các báo đưa tin kỷ niệm 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam với những “được-mất” và những lúng túng về mặt quản lý xã hội, tôi muốn viết một cái gì đó để đánh dấu cái mốc mang tính xã hội rất cao này.
Câu chuyện tội phạm vị thành niên trong “Sát thủ online” thực ra chỉ là cái nền để truyền tải một câu chuyện lớn hơn về Internet và những hệ luỵ của nó.
- Để viết cuốn tiểu thuyết này, có lẽ anh cũng đã mất không ít thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu thực tế. Anh đánh giá như thế nào về những hệ lụy mà vấn nạn Internet đang gây ra cho giới trẻ hiện nay?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Không quá khó để tìm hiểu những mảng hiện thực về những hệ lụy từ Internet. Mọi thứ gần như đã phơi bày trên mặt báo. Ngày nào lật giở các trang báo giấy, báo mạng hầu như bạn đều bắt gặp những tin giết người, cướp của, giết người thân, thậm chí ngay chính người sinh thành ra mình, của những người trẻ mà nguyên nhân trực tiếp từ Internet.
Hậu quả về mặt xã hội thì đã thấy, thế nhưng có một hậu quả vô hình đối với ngay chính các em, đó là các em bị biến dạng nhân cách, lệch lạc về suy nghĩ, lối sống, có những hành vi bất thường, thiếu kiểm soát, biến mình thành mối nguy hiểm cho xã hội và kết cục là trở thành tội phạm. Nếu không có những giải pháp mang tính xã hội thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ hỏng mất cả một thế hệ, chúng ta sẽ để tuột mất cả một thế hệ vào tay thế giới ảo.
- Trách nhiệm của người lớn ở đâu? Phải chăng chính bản thân chúng ta cũng đang loay hoay, chưa có sự chuẩn bị tương xứng để đối mặt với những tác hại từ lĩnh vực mới mẻ này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa có những hiểu biết cần thiết và quan tâm đúng mức đến con em mình. Nhiều bậc cha mẹ cứ vô tư thả con em vào khu vườn hoang Internet. Khu vườn ấy có hoa thơm trái ngọt và có cả beo hùm, rắn rết, có những mê cung của game online. Mà trẻ em thì bao giờ chả tò mò. Chứng nghiện game, nghiện net bùng phát như một đại dịch. Đến khi các phương tiện truyền thông đồng loạt lên tiếng thì đã trở thành vấn nạn mất rồi.
Về mặt xã hội, Internet là một lĩnh vực rất mới, và chúng ta đang loay hoay trong công tác quản lý. Việt Nam đứng đầu trong khu vực về tốc độ phát triển thuê bao cũng như số người sử dụng Internet, không ai phủ nhận những lợi ích lớn lao do Internet mang lại, nhưng hậu quả của nó thì cũng lớn đến mức bàng hoàng. Internet là cánh cửa để chúng ta bước vào ngôi nhà chung toàn cầu, là công cụ để chúng ta hội nhập, nhưng cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng ta đang phải đối mặt với những tác động xấu từ nó.
- So với báo chí thì văn học vẫn có những thế mạnh riêng khi đề cập tới những vấn đề thời sự nhức nhối, từ đó có sức tác động mạnh tới tình cảm, nhận thức của độc giả. Anh vừa là một nhà báo lại vừa là một nhà văn. Điều này giúp anh thế nào khi viết về đề tài quen thuộc với thời sự nhưng lại khá mới mẻ với văn học?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Văn học và báo chí, mỗi thể loại có một cách riêng để phản ánh hiện thực. Chính vì là một nhà báo mà tôi thường xuyên quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng hổi của báo chí, những vấn đề mang tính xã hội và “tiềm ẩn” những chất liệu cho văn học. Bản thân tôi chưa viết một bài báo nào về tội phạm Internet, nhưng thông qua các đồng nghiệp tôi đã có cái nhìn về hiện trạng này.
Tôi nhìn nhận hiện trạng đó trước hết dưới lăng kính của một người làm báo. Nhưng tôi cũng đồng thời là một người viết văn, vì thế, đó cũng là chất liệu tốt cho sáng tác, đương nhiên khi đã thành tiểu thuyết thì mọi thứ đã được hư cấu trên cái nền hiện thực ấy để thành những hình tượng văn học. Có một chút giao thoa thú vị ở đây khi tôi đã sử dụng sau mỗi chương tiểu thuyết là một ô thông tin với lối hành văn đậm “chất” báo chí dưới dạng các bản tin trên truyền hình quốc gia có vai trò thôi thúc, cảnh báo. Bản tin cuối cùng là bản tin lúc 0 giờ, mốc cảnh báo cao nhất, cũng là thời điểm kết thúc một ngày với hy vọng một ngày mới đến mọi thứ sẽ khác.
Với nhà văn thì tôi nghĩ không có đề tài nào là cũ, cũng chẳng có đề tài nào là mới, vấn đề là tác phẩm của anh có được bạn đọc đón nhận hay không. Còn đề tài "hot," thời thượng hay thời sự chỉ là yếu tố hỗ trợ, cộng hưởng sự quan tâm của xã hội mà thôi. Cuối cùng vẫn là anh viết về nó như thế nào.
- Một thế giới tội phạm mạng được phơi bày trần trụi trong cuốn tiểu thuyết này: hiếp dâm, giết người, cướp của nhưng bên cạnh đó vẫn có hơi ấm tình người, tình mẫu tử. Và mỗi người đọc sẽ tự có được những suy nghĩ, nhận thức của riêng mình. Còn bản thân anh, với tư cách là tác giả, anh muốn nói điều gì thông qua tiểu thuyết này?
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Chúng ta tiếp nhận những cái mới quá nhanh, trong khi những sự chuẩn bị cho nó, và cả việc đối mặt với những hệ lụy từ nó chưa tương xứng, không theo kịp, như vậy bi kịch tất yếu sẽ xảy ra. Mọi người say mê với "thế giới ảo," đeo mặt nạ khi bước vào nó, ngụp lặn trong nó đầy mê mải như khám phá một khu vườn vô chủ, mà ít ai nghĩ rằng Internet không phải là một "thế giới ảo" như ta tưởng. Internet chưa bao giờ là ảo. Nó thật như chính cuộc sống của chúng ta vậy, vì thế, hãy thành thực với nó.
- Xin cám ơn anh!
Thanh Ngọc (Vietnam+)