Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm đến văn hóa tinh thần

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh được những người yêu sách biết đến là một không gian đọc sách lý tưởng; là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa lan tỏa tình yêu sách, thói quen đọc sách.
Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm đến văn hóa tinh thần ảnh 1Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vắng khách do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với mục đích chính tạo không gian văn hóa đọc cho cộng đồng, qua năm năm hoạt động, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến văn hóa tinh thần quen thuộc đối với người dân Thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước.

Đón hơn 11 triệu lượt khách

Không chỉ là nơi bạn đọc tìm đến khi cần mua những cuốn sách hay, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh còn được những người yêu sách biết đến là một không gian đọc sách lý tưởng; là nơi diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa lan tỏa tình yêu sách, thói quen đọc sách.

Cùng với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế được tổ chức, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố.

Đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng, các hoạt động tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh liên tục được phát triển, đổi mới. Mô hình “Xe buýt sách” được thực hiện từ năm 2018 đã đáp ứng nhu cầu đọc sách miễn phí trong cộng đồng. Mô hình đạt được những kết quả rất tích cực, đưa thói quen đọc sách đến cộng đồng.

Đến nay có hơn 1.000 lượt bạn đọc đến tặng sách và trên 15.000 lượt bạn đọc đến mượn sách từ mô hình này, phần lớn là các bạn trẻ. Nhiều trường học đã chọn đây là điểm đến cho học sinh học tập vui chơi giải trí, tiếp cận với sách, tham gia các hoạt động trải nghiệm phát triển kỹ năng và hình thành thói quen đọc sách.

Mặt khác, với không gian mở, lượng khách tham quan đông đảo, tại Đường sách cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật từ âm nhạc, điện ảnh đến nhiếp ảnh, hội họa… Hoạt động này không chỉ tạo được dấu ấn trong giới nghệ thuật mà còn lan tỏa, tác động tích cực đến cộng đồng trong nước và quốc tế.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động của ngành xuất bản góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi góp phần lưu truyền các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống thông qua các chương trình nghệ thuật truyền thống được tổ chức tại đây. Đường sách thành phố cũng là nơi đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị-xã hội, văn hóa-giáo dục của thành phố và cả nước.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động tại Đường sách, nhiều hoạt động cộng đồng về phát triển văn hóa đọc cũng được Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị triển khai. Có thể kể đến như Dự án "Sách hay cho học sinh tiểu học" đưa sách đến gần 600 trường tiểu học vùng sâu, vùng xa của hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước; vận động các nhà xuất bản, công ty sách tặng trên 10.000 đầu sách và tập vở học sinh cho bạn đọc thanh thiếu nhi vùng biên giới Việt Nam-Campuchia và các chiến sỹ 28 đồn biên phòng...

[Xây dựng không gian văn hóa công cộng ở TP.HCM: Còn ít và đơn điệu]

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, cho biết trong năm năm qua, Đường sách đã đón khoảng 11,5 triệu lượt khách. Tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng tại Đường sách đạt 181 tỷ đồng, với hơn 3,5 triệu bản sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới.

Trong giai đoạn 2016-2019, hoạt động kinh doanh của các đơn vị tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng đều đặn với doanh thu bình quân tăng khoảng 10-15% mỗi năm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, các chỉ số kinh doanh đều sụt giảm. Cụ thể, so với năm 2019, doanh thu của Đường sách năm 2020 giảm 28%, số bản sách giảm 37%, số tựa sách mới giảm 40%, lượt khách tới Đường sách giảm 42%.

Thúc đẩy phát triển văn hóa đọc

Sau năm năm hoạt động, mô hình Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá đã đạt được nhiều thành công, góp phần lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự ra đời và thành công của Đường sách đã tạo một cú hích thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books, cho rằng Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo dựng được sự uy tín trong ngành sách khi không chỉ là điểm hẹn, nơi tìm mua sách lý tưởng mà còn là điểm đến thú vị cho các bạn trẻ cũng như du khách trong và ngoài nước. Khi công nghệ ngày càng phát triển, “một thế hệ trẻ chỉ biết cúi đầu” vào smartphone, việc đọc sách dường như là một điều gì đó xa vời. Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc tạo ra không gian đọc lý tưởng, góp phần không nhỏ trong việc tác động và thúc đẩy văn hóa đọc cho người dân.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh: Điểm đến văn hóa tinh thần ảnh 2Một góc của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (Đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1). (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thường xuyên dẫn hai con nhỏ đến Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vào mỗi dịp cuối tuần, chị Nguyễn Thị Dân (Thủ Đức) chia sẻ, đây là một điểm đến mà các bạn nhỏ rất thích. Lựa chọn Đường sách không chỉ bởi không gian lý tưởng, đầu sách phong phú, đến đây các con còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị thông qua nhiều hoạt động, trò chơi. Hơn nữa, việc cho các con thường xuyên tiếp cận, tương tác với các hoạt động về sách, chị Dân cho rằng sẽ góp phần hình thành thói quen đọc cho các con từ khi còn nhỏ.

Còn em Huỳnh Ngọc Nhi (Trường Trung học cơ sở Phước Bình, Quận 9) chia sẻ thường xuyên đến Đường sách, tham gia nhiều hoạt động về sách giúp em thêm hiểu và biết trân trọng giá trị của sách hơn. Việc đọc sách giúp em không chạy theo những điều tiêu cực khác, để tìm được những điều thú vị, ý nghĩa từ những trang sách.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến văn hóa tinh thần của người dân Thành phố. Đây không chỉ là không gian của văn hóa đọc thuần túy mà còn là nơi diễn ra các hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ dân gian đến đương đại thông qua ngôn ngữ của các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần nhìn xa hơn để Đường sách trở thành di sản và cần được ứng xử như với di sản văn hóa, tức là phải nuôi dưỡng, trân trọng. Không thể biến nơi đây thành không gian kinh doanh đơn thuần mà đó phải là một không gian văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục