Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức các nhà lãnh đạo EU diễn ra tối 12/11 (theo giờ Việt Nam) tại thành phố Valetta (Malta), bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi về nhập cư, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên EU đã bàn về mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, điểm trung chuyển của rất đông người di cư tìm đường tới châu Âu.
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22/11 ở Brussels (Bỉ) để bàn về vấn đề này.
Nhân dịp này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề cập tới đề xuất về quỹ tài trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 3 tỷ euro như đã hứa.
Quỹ này sẽ hoạt động trên nguyên tắc đóng góp bắt buộc của các quốc gia được tính toán dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bỉ sẽ phải đóng góp 72 triệu euro còn Pháp sẽ phải góp 386,5 triệu euro.
Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác chính của EU trong việc quản lý dòng người di cư. Quốc gia này hiện đón tiếp một số lượng lớn người tị nạn Syria và rất nhiều người xin tị nạn đang tạm trú tại Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu.
Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra rất nhiều điều kiện trong việc hợp tác với EU, đặc biệt là khoản hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro để quản lý người tị nạn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hôm 15/10 ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí thông qua kế hoạch hành động chung nhằm hạn chế làn sóng người tị nạn đang ồ ạt vào châu Âu.
Theo kế hoạch, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thực hiện các cam kết giúp kiểm soát dòng người tị nạn, phần lớn đến từ Syria, đảm bảo mọi đề nghị tị nạn đều được giải quyết hợp lý, đồng thời nỗ lực chống nạn buôn người.
Đổi lại, EU đã thông qua 2 trong số 3 yêu cầu mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra, trong đó có việc đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, ứng cử viên xin gia nhập EU và mở ra các chương mới trong tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, EU cũng hứa sẽ hỗ trợ khoản tiền 3 tỷ euro để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cho phép người tị nạn ở lại trên lãnh thổ của mình./.