Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hối thúc cộng đồng quốc tế không đóng cửa với dòng người di cư ồ ạt đang liên tục gia tăng trong những năm gần đây.
Trong một thông điệp đưa ra ngày 11/11 ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định trong một vài năm trở lại đây, lượng người di cư toàn cầu đã lên mức cao lịch sử và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai gần.
Bài viết đăng tải trên trang mạng của IMF ghi nhận một số quốc gia đã có thái độ thiện chí trong tiếp nhận lượng lớn người di cư và cung cấp hỗ trợ tối đa có thể cho họ. Trong khi đó, một số quốc gia phát triển khác cần xem xét các phương án để tăng tiếp nhận người di cư.
Quan chức IMF ghi nhận những khó khăn mà các nước đang phải đối mặt trong việc tiếp nhận người di cư song bày tỏ tin tưởng về dài hạn, quyết định này sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế. Người di cư có thể giúp giải quyết thách thức già hóa dân số tại một số nước phát triển, bổ sung nguồn lực lao động, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng. Theo bà Lagarde, những tính toán sơ bộ của IMF đã cho thấy những tác động tích cực vừa phải đối với tăng trưởng tại các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Tuyên bố của Tổng Giám đốc Lagarde đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi tiến hành hội nghị thượng đỉnh về vấn đề người di cư tại Malta trong hai ngày 11-12/11, tiếp nối các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trong một diễn biến khác, Liên hợp quốc cùng ngày lên tiếng báo động về việc một số quốc gia châu Âu cắt giảm các khoản trợ cấp phát triển để dành tiền cho hoạt động hỗ trợ người di cư.
Tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi chính phủ các nước đối phó với dòng người tị nạn "mà không ảnh hưởng tới các cam kết trợ cấp phát triển có ý nghĩa thiết yếu."
Ông nhận định việc chuyển các quỹ hỗ trợ phát triển sang cho người di cư là "phản tác dụng" và sẽ thu hẹp cơ hội để hàng triệu người trên thế giới xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn tại quê hương mình.
Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đều đang có kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho các nước nghèo trong khi Đan Mạch đã thông qua một khoảng cắt giảm trợ cấp quốc tế lớn. Hà Lan cũng đang cân nhắc phương án này.
Tổng thư ký Ban Ki-moon cùng ngày cũng thông báo Liên hợp quốc bổ nhiệm nhà ngoại giao người Italy Filippo Grandi vào vị trí Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, thay thế ông Antonio Guterres, nhà ngoại giao Bồ Đào Nha đã giữ chức vụ này từ năm 2005.
Ông Grandi đã vượt qua các đối thủ là cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, Giám đốc Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc Achim Steiner. Ông sẽ tiếp nhận nhiệm vụ từ ngày 1/1/2016./.