Với tư cách nước Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Australia đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các thành viên G20 để thu hẹp khoảng cách về giới trong lực lượng lao động, với hy vọng đưa ngày càng nhiều phụ nữ thoát khỏi các công việc tạm thời hoặc không được trả lương để có việc làm bền vững.
Mục tiêu trọng tâm là giảm khoảng cách về giới xuống 25% vào năm 2025 và rót thêm hàng tỷ USD giúp tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết tình trạng bất bình đẳng giới.
Mục tiêu này có thể tạo thêm hơn 100 triệu việc làm mới cho nữ giới tại các nước G20 và thêm khoảng 300.000 việc làm cho nữ giới tại Australia.
Mục tiêu thu hẹp khoảng cách về giới được cho là sáng kiến bất ngờ của 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi lớn nhất thế giới.
Các quan chức G20 đang tích cực tìm kiếm các cách thức để đưa quan hệ lao động, được cho là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane (Australia) sắp tới.
Một công trình nghiên cứu chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong lực lượng lao động tiếp tục gia tăng, mặc dù ở các nước trong nhóm G20 nữ thanh niên hiện có tiêu chuẩn giáo dục còn cao hơn nam thanh niên.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy mỗi nước phải có chính sách riêng để đạt được mục tiêu giảm khoảng cách về giới. Các tổ chức quốc tế cho rằng các chính phủ cần hối thúc mục tiêu tự nguyện gia tăng tỷ lệ nữ giới trong các khu vực công cũng như khu vực tư nhân.
Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước thành viên G20 hiện ủng hộ mạnh mẽ cho mục tiêu giảm khoảng cách về giới trong lực lượng lao động.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra chính sách khuyến khích phụ nữ trở lại làm việc sau khi sinh con đầu lòng. Trong khi đó, Tổng thống Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, nước sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 năm 2015, đảm bảo các cam kết về giới đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ được triển khai.
Khoảng cách về giới trong lực lượng lao động còn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới, từ tỷ lệ 12% tại các nền kinh tế OECD cho tới tỷ lệ 50% tại Trung Đông và Bắc Phi.
Trong số 20 nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane vào ngày 15-16/11 tới, chỉ có bốn người là nữ./.