Giá dầu châu Á ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong ba tuần qua

Chiều 13/5, giá dầu Brent biển Bắc tăng lên 109,13 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng lên 107,53 USD/thùng nhưng hai loại dầu chủ chốt này đều hướng đến tuần giảm giá đầu tiên.
Giá dầu châu Á ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong ba tuần qua ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á tăng khoảng 1,5% trong phiên 13/5 song dự kiến vẫn ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong ba tuần trong bối cảnh những lo ngại về lạm phát và các biện pháp phong tỏa để phòng chống COVID-19 tại Trung Quốc làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu đã lấn át những lo ngại về nguồn cung nhiên liệu sụt giảm từ Nga.

Chiều 13/5, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,68 USD/thùng (1,6%) lên 109,13 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,4 USD/thùng (1,3%) lên 107,53 USD/thùng.

Tuy nhiên, hai loại dầu chủ chốt này đều hướng đến tuần giảm giá đầu tiên, trong đó dầu Brent dự kiến giảm gần 3%, còn dầu WTI dự kiến giảm 2%.

[Căng thẳng Nga-EU đẩy giá dầu thế giới tăng hơn 5% phiên 11/5]

Thị trường tiếp tục bị “đưa đẩy” bởi triển vọng Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh cấm vận dầu Nga và lo ngại nhu cầu toàn cầu chậm lại.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ), cho biết các nhà giao dịch dầu đang tìm kiếm một tia hy vọng từ Trung Quốc.

Lạm phát và lãi suất tăng mạnh đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm, điều này đã giới hạn mức tăng giá dầu vì đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn khi được mua bằng các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đang “để mắt” đến triển vọng EU cấm dầu của Nga, sau khi Moskva áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các đơn vị châu Âu của Gazprom thuộc sở hữu nhà nước trong tuần này và sau khi Ukraine dừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt quan trọng.

Nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), Jeffrey Halley, cho trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu ngày càng tăng cao, do vậy khó tránh khỏi việc giá dầu bị ảnh hưởng.

Một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/5 nêu rõ các yếu tố gây tranh cãi trên thị trường, nói rằng sản lượng dầu tăng ở Trung Đông và Mỹ và tăng trưởng nhu cầu chậm lại "dự kiến sẽ chống đỡ sự sụt giảm nguồn cung trầm trọng do tình hình gián đoạn nguồn cung từ Nga"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục