Giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục tăng

Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 183 đồng/kg, ở mức 9.475 đồng/kg; giá cao nhất là 9.650 đồng/kg. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.200 đồng/kg, giá bình quân 14.100 đồng/kg, tăng 282 đồng/kg.

Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua duy trì ở mức cao. (Nguồn: TTXVN)
Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua duy trì ở mức cao. (Nguồn: TTXVN)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 8.050 đồng/kg, giá bình quân là 8.000 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg.

Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 183 đồng/kg, ở mức 9.475 đồng/kg; giá cao nhất là 9.650 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.200 đồng/kg, giá bình quân 14.100 đồng/kg, tăng 282 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.950 đồng/kg, giá bình quân 13.817 đồng/kg, tăng 225 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.750 đồng/kg, giá bình quân 13.483 đồng/kg, tăng175 đồng/kg. Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 35 đồng/kg, giá trung bình là 14.010 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng 75 đồng/kg, trung bình là 11.658 đồng/kg.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá một số loại lúa có sự tăng giá như Đài thơm 8 từ 8.000-8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 từ 8.000-8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.

Một số loại đi ngang như Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600-7.700 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300-7.500 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg; OM 5451 từ 7.550-7.700 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 -16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500-19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg.

Hiện một số vùng ít chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập của Sóc Trăng đang bắt đầu xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Hè Thu năm 2024, theo kế hoạch tỉnh xuống giống 139.360ha.

Lịch xuống giống vụ Hè Thu chia thành 3 đợt. Đối với khu vực trũng, chủ động nguồn nước, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống trong đợt 1 để hạn chế thiệt hại do mưa dông cuối vụ.

Các vùng canh tác lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ xuống giống vào đợt 2 và đợt 3. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã xuống giống được trên 20.000 ha.Hậu Giang đã đề ra lịch xuống giống lúa Hè Thu chia làm 2 đợt.

Trước ảnh hưởng của tình hình xâm nhập mặn và rầy nâu lây lan với mật số cao từ lúa Đông Xuân 2023-2024 đang vào giai đoạn thu hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo đối với các khu vực lúa Đông Xuân thu hoạch sớm, người dân xuống giống sớm và phải đảm bảo đủ thời gian cách ly trên 3 tuần để rơm rạ phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ Hè Thu.

Hậu Giang đặt mục tiêu đảm bảo sản xuất 74.000ha lúa Hè Thu 2024 thắng lợi với năng suất 6,6 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 440.000 tấn.

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm là 582 USD/tấn, cao hơn so với mức 579 USD/tấn với gạo cùng loại của Thái Lan và mức 581 USD/tấn của Pakistan. Loại 25% tấm của Việt Nam cũng ở mức 557 USD/tấn, cao hơn so với cùng loại của Thái Lan là 530 USD/tấn.

Liên quan đến xuất khẩu gạo sang EU, thời gian qua, một số cơ quan báo chí có thông tin 2 giống gạo thơm ST24 và ST25 đã được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU theo trích dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định thông tin này là không chính xác. Hiện nay có 9 giống gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang EU, bao gồm Jasmine85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào.

Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế là 0% theo hạn ngạch để phù hợp với thực tế xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng là điều chỉnh bổ sung giống gạo thơm nào vào danh mục các giống gạo sẽ được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch.

Thị trường xuất khẩu gạo ở các nước khác cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do nhu cầu yếu, trong khi kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến hoạt động giao dịch ở Thái Lan trầm xuống.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 538-546 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 540-548 USD/tấn của tuần trước.

Hồi tháng trước, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã chạm mức cao kỷ lục 560 USD/tấn.Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh cho biết nhu cầu vẫn yếu trong vài tuần qua. Người mua vẫn trì hoãn đặt hàng với dự đoán giá sẽ còn tiếp tục giảm.

TTXVN_2801caphe.jpg
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Vương Thành Công (Đắk Lắk) thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Về thị trường nông sản Mỹ, giá ngô và đậu tương tăng hôm 19/4 khi tình hình địa chính trị căng thẳng đã thúc đẩy một đợt mua vào.Chốt phiên này, tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 7/2024 tăng 6,75 xu lên 4,43 USD/bushel.Giá đậu tương giao tháng 7/2024 tăng 16,75 xu lên 11,6575 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2024 cũng tăng 13,75 xu lên 5,6675 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Mặc dù tăng giá khi đóng cửa phiên 19/4, giá ngô giao tháng 7/2024 vẫn kết thúc tuần này với mức giảm 0,95%. Tương tự, giá đậu tương và lúa mỳ giao cùng tháng cũng lần lượt giảm 1,8% và 0,7%.

Về thị trường càphê thế giới, tại thị trường London ngày 19/4, giá càphê Robusta giao tháng 5/2024 đóng cửa giảm nhẹ xuống 4.083 USD/tấn. Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 đóng cửa giảm 8,10 xu/lb xuống 241,40 xu/lb (1 lb=0,454 kg).

Thị trường đã sớm rời khỏi mức tăng đầu phiên do diễn ra hoạt động bán tháo khi đồng USD mạnh lên.

Hoạt động mua vào của các quỹ đã hỗ trợ giá càphê tăng vọt trong tháng này. Đà tăng nay đã đến kết thúc khi nhà giao dịch tiến hành chốt lời, giữa bối cảnh giá thị trường quá cao và thời hạn hợp đồng giao tháng 5/2024 cũng sắp hết.

Giá càphê trong nước phiên 20/4 giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước, tuy nhiên vẫn giữ ở mức cao.

Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là trên 122.000 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 121.200 đồng/kg. Càphê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà được thu mua với giá 120.600 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục