Giá vàng, giá dầu tăng giảm trái chiều trên các thị trường giao dịch

Trong phiên giao dịch ngày 21/6, giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư đang ngóng chờ cuộc họp của các nước thành viên thuộc trong và ngoài OPEC.
Giá vàng, giá dầu tăng giảm trái chiều trên các thị trường giao dịch ảnh 1Vàng được bày bán tại cửa hàng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 21/6, giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư đang ngóng chờ cuộc họp của các nước thành viên thuộc trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), vốn được kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận gia tăng sản lượng khai thác để bình ổn giá.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/6 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2018 giảm 0,17 USD xuống 65,54 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8/2018 cũng giảm 1,69 USD xuống 73,05 USD/thùng

Tuy nhiên, các nước thành viên OPEC đang khó khăn trong việc tìm sự đồng thuận để tăng sản lượng. Trong khi Saudi Arabia cảnh báo tình trạng nguồn cung thiếu hụt và giá nhiên liệu tăng cao, còn Iran có thái độ phản đối đề xuất tăng cường khai thác dầu mỏ trước thềm cuộc họp của OPEC ngày 22/6.

Bộ trưởng Năng lượng Iran, Bijan Zanganeh, cho rằng OPEC khó có thể đạt được một thỏa thuận trong cuộc họp ngày 22-23/6. Bởi ông Zanganeh cho rằng OPEC cần thảo luận và quyết định vấn đề nâng sản lượng khai thác dầu mỏ bên trong tổ chức này rồi mới có thể tính đến việc hợp tác với Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ quan trong ngoài OPEC. Điều này cũng cho thấy Iran đã không còn thái độ phản đối bất cứ động thái tăng sản lượng như trước đâ, mà đã tỏ ý có thể ủng hộ phương án nâng một lượng nhỏ sản lượng dầu.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ecuador - một thành viên của OPEC, Carlos Perez cho biết ông kỳ vọng sản lượng khai thác của các nước thành viên trong và ngoài OPEC sẽ được tăng thêm 600.000 thùng/ngày.

OPEC, cùng các nhà sản xuất dầu chủ chốt như Nga và một số nước khác, đã bắt đầu rút bớt sản lượng khai thác dầu từ năm 2017 nhằm đẩy giá “vàng đen” tăng lên nhưng hiện do thị trường thắt chặt, người tiêu dùng đã kêu gọi tăng thêm nguồn cung.

[Giá dầu châu Á giảm khi OPEC hướng đến tăng sản lượng]

Cũng trong ngày 21/6, giá vàng thế giới tăng nhẹ, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng, nhờ sự yếu đi của đồng USD và hoạt động mua vào của Nga.

Tại Mỹ, giá vàng giao ngay có thời điểm tăng 0,2% lên 1.265,4 USD/ounce sau khi có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ 19/12/2017 là 1.206,84 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2018 đóng phiên ở mức 1.270,50 USD/ounce.

Chuyên gia Dan Pavilonis, thuộc RJO Futures, nhận định giá vàng bắt đầu phục hồi, khi đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được hỗ trợ từ hoạt động mua vào vàng của Nga. Theo chuyên gia Dan Pavilonis, một số nguồn tin tiết lộ trong hai tuần qua Nga đã tăng cường mua vào vàng và bán ra trái phiếu Chính phủ Mỹ.

George Gero, Phó Chủ tịch RBC Capital Markets, cho rằng Nga đang nỗ lực tăng giá đồng nội tệ, trước sự đi xuống của giá dầu. Thêm vào đó, Nga cũng là một nhà sản xuất vàng lớn và nước này đang tiến hành ổn định thị trường.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết lượng vàng do các quỹ giao dịch tại Mỹ nắm giữ đang sụt giảm kể từ tháng Tư. Nhà phân tích Julius Baer thuộc Carsten Menke đánh giá rằng các nhà đầu tư đang tập trung vào đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ hơn là mối đe dọa từ quan hệ thương mại căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU), giữa bối cảnh chi tiêu tiêu dùng trong nước vẫn là động lực chính của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục