Giải ngân Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đạt 55 nghìn tỷ đồng

Việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp.
Giải ngân Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội đạt 55 nghìn tỷ đồng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, ngày 6/9. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong tám tháng của năm, sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động, hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52 nghìn tỷ đồng.

[Gạo Việt Nam tiếp tục đổ bộ vào chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp]

Theo Báo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, như việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt và việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…

Về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong 8 tháng của năm 2022, Bộ trưởng cho hay Chính phủ và Trung ương đã ban hành 84 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết quả trong 8 tháng, nền kinh tế nhìn chung có xu hướng phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước. Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023). Tinh thần quán triệt phương châm điều hành những tháng cuối năm “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “01 kiên quyết không” đã được Chính phủ thảo luận trong các phiên họp tháng 6-7/2022.

Các cấp ngành, địa phương chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra.

Cụ thể cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19, theo dõi chặt chẽ các loại bệnh truyền nhiễm mới phát sinh, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra đồng thời chủ động các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh.

Giải pháp điều hành đồng bộ, chủ động và linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục