Giám sát việc thực hiện chính sách về văn hóa, giáo dục ở Tuyên Quang

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thí điểm lần đầu tiên tổ chức buổi làm việc bằng hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu Nhà Quốc hội và trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Giám sát việc thực hiện chính sách về văn hóa, giáo dục ở Tuyên Quang ảnh 1Một lớp học xóa mù chữ ở Tuyên Quang. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN)

Sáng 8/10, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc theo hình thức trực tuyến với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các sở, ngành có liên quan về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin-truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên và trẻ em trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021.

Đây là hoạt động nằm trong Chương trình công tác năm 2021 và Thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội về Kế hoạch giám sát của các cơ quan của Quốc hội tại địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo luật định và để chuẩn bị cho các hoạt động giám sát ở Tuyên Quang, ngay từ đầu tháng 6/2021, Ủy ban đã ban hành các kế hoạch, gửi đề cương tới các thành viên đoàn giám sát và Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Thường trực Ủy ban cũng đã tổ chức trao đổi, thảo luận, nghiên cứu các báo cáo và lập các nhóm tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực tế tại tỉnh Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết theo thông lệ, buổi làm việc kết thúc đợt giám sát sẽ được tổ chức tại địa phương nhưng do điều kiện dịch bệnh, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thí điểm lần đầu tiên tổ chức buổi làm việc bằng hình thức trực tuyến với hai điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) và trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Mặc dù diễn ra dưới hình thức trực tuyến song quá trình giám sát, nội dung thực hiện vẫn được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe và thảo luận về Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang về kết quả thực hiện các nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin-truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên và trẻ em trên địa bàn tỉnh; Báo cáo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách ở tỉnh Tuyên Quang.

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang nêu rõ là tỉnh miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên gần 5.868km2, dân số 792.900 người thuộc 22 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 54%, Tuyên Quang có 7 đơn vị cấp huyện (6 huyện, 1 thành phố); 138 xã, phường, thị trấn; 1.733 thôn, tổ dân phố.

Tuy còn là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã có những nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết các dân tộc để từng bước phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng.

Tỉnh có 639 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 180 di tích quốc gia, 260 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, có 3 khu di tích và danh thắng được xếp hạng quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử Tân Trào, huyện Sơn Dương; Khu di tích Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, huyện Chiêm Hóa, danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình); 1 bảo vật quốc gia.

Tỉnh có nhiều lễ hội nổi tiếng trong cả nước, trong đó có lễ hội Thành Tuyên được tổ chức vào dịp Rằm Trung Thu hằng năm bằng kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Tỉnh cũng có nhiều sản phẩm du lịch phong phú: lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng...

Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư; tỷ lệ huy động trẻ đến trường trên địa bàn tỉnh cao hơn tỉ lệ bình quân của khu vực trung du miền núi phía Bắc và của cả nước. Các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch bền vững. Công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em được quan tâm.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc đạt nhiều kết quả, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, khu vực trong tỉnh.

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao những nỗ lực cùng kết quả đạt được của chính quyền, nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

[Tuyên Quang hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương]

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh như mạng lưới trường lớp ở nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán, ảnh hưởng tới việc huy động trẻ đến trường, chất lượng giáo dục đào tạo còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa đồng bộ, ở nhiều nơi chưa được đầu tư xây dựng, số lượng bản sách trong thư viện công cộng bình quân trên đầu người mới chỉ đạt 1/4 đến 1/5 chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, số cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên ở một số nơi còn chưa sâu, mang tính hình thức; kinh phí dành cho công tác trẻ em còn thấp, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi cao hơn bình quân cả nước ở cả hai tiêu chí suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi...

Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như ý kiến các đại biểu tham dự buổi làm việc đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hỗ trợ, giúp tỉnh Tuyên Quang tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác giáo dục-đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin-truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên và trẻ em trong giai đoạn tiếp theo.

Thay mặt lãnh đạo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, đã tiếp thu kết quả giám sát cũng như các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục